Đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt
Một loạt bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ thanh toán kỹ thuật số làm tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển.
Cuộc nghiên cứu gần nhất của McKinsey Global Institute (MGI) cho biết việc thanh toán không sử dụng tiền mặt mà thay vào đó là các phần mềm ứng dụng về thanh toán trên điện thoại sẽ làm tăng tổng thu nhập quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển thêm 3.700 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, đồng thời tạo thêm 95 triệu việc làm mới. Các chính phủ cũng tiết kiệm được 110 tỉ đô la những khoản tiền thất thoát. Kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa với việc gia tăng năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm trong khi cải thiện tính minh bạch và khả năng cung ứng dịch vụ tài chính cho cả những người không có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là phụ nữ và người nội trợ.
Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế
Tổ chức The Better Than Cash Alliance trực thuộc Cơ quan Liên Hợp Quốc (UN) cũng cho biết các nước đang đẩy nhanh việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, và trong 25 nước được khảo sát người ta thấy đã có những bước tiến nhanh chóng và rất có hiệu quả: Ấn Độ tiết kiệm đến 2 tỉ đô la mỗi năm từ các khoản thất thoát trước đó; Tazania không chỉ tiết kiệm được 175 triệu đô la tiền thuế mỗi năm mà còn bổ sung 1,8 tỉ đô la vào GDP; ở Brazil, chi phí giải ngân cho những khoản chi tiêu nhà nước đã giảm đi 30%, và ở Mexico tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng thêm 17% sau khi lắp đặt 20.000 thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) tại các cửa tiệm bán lẻ trong hai năm 2014 - 2015.
Việc triển khai các dịch vụ tài chính ngay trên những chiếc điện thoại đã làm lợi cho hàng tỉ người thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng và bổ sung 3.700 tỉ đô la vào GDP cho các nền kinh tế đang phát triển trong 10 năm tới, tức vào năm 2025. Điều kết luận này được trình bày trong bản báo cáo “Digital finance for all: Powering inclusive growth in emerging economies” (tạm dịch là Tài chính số cho mọi người: Thúc đẩy tăng trưởng tổng quát nơi các nền kinh tế đang phát triển), theo đó Viện Nghiên cứu McKinsey toàn cầu (McKinsey Global Institute) cho rằng chính nền tài chính số, bao gồm cả việc thanh toán điện tử và các loại dịch vụ tài chính thực hiện qua điện thoại và mạng Internet, sẽ làm chuyển đổi cách sống cũng như triển vọng kinh tế cho từng người, từng doanh nghiệp và từng chính phủ.
Hai tỉ người cùng khoảng 200 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể ở các nước đang phát triển, cho đến nay, vẫn chưa tiếp cận được các khoản tín dụng hoặc chỉ tiếp cận được những sản phẩm tài chính với mức phí cao. Điều này đã làm hạn chế mức tăng trưởng kinh tế. Nhưng giải pháp bây giờ nằm trong tay từng người, đó là chiếc điện thoại di động có kết nối Internet, và hơn nữa, chính những chiếc điện thoại này làm cho khả năng hội nhập vào nền kinh tế số trở thành hiện thực. Với tài chính số, 1,6 tỉ người không có tài khoản ngân hàng cũng sẽ nhận được những dịch vụ tương xứng và khoảng 2.100 tỉ đô la sẽ được bổ sung cho doanh nghiệp hay cá thể thông qua những khoản vay phi ngân hàng từ nguồn Internet.
Việc phát triển dịch vụ tài chính qua điện thoại và Internet vừa nhanh vừa có hiệu quả hơn người ta tưởng. Nhiều nơi tại các nước đang phát triển số người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đã chiếm tới 80%, trong khi chỉ có 55% trong số họ có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, tại các nước đang phát triển số người truy cập Internet mỗi lúc một cao, mà đa số đang nghiêng dần về việc sử dụng mạng viễn thông 3G hay 4G cho các thiết bị di động. Các nước đang phát triển nhắm tới việc mở rộng lĩnh vực dịch vụ di động và hạ tầng số để tạo động lực đưa các loại sản phẩm tài chính số đến các cá nhân và doanh nghiệp kể cả khi nền kinh tế có chậm lại, thay vì chờ cho nền kinh tế phục hồi và các ngân hàng mở rộng tầm với. Điện thoại di động đang trở thành át chủ bài cho một giai đoạn phát triển kinh tế mới.
GDP tăng thêm 3.700 tỉ đô la, 95 triệu việc làm mới và 110 tỉ đô la không bị thất thoát. Đó hẳn là những con số quá lớn khi so sánh với việc trang bị một thiết bị nhỏ bé: chiếc điện thoại thông minh. Nhưng lợi nhuận cho những nhà cung ứng dịch vụ tài chính, bao gồm các ngân hàng số hóa, cũng không nhỏ. Chính các tổ chức này đang nắm trong tay lợi thế 400 tỉ đô la mỗi năm nhờ vào việc chuyển đổi từ tài khoản truyền thống sang tài khoản kỹ thuật số, và việc này làm giảm các chi phí dịch vụ đến 80% hay 90% đồng thời làm tăng cán cân thu nhập lên đến 4.200 tỉ đô la. Bản báo cáo của Viện McKinsey còn cho thấy việc ứng dụng thanh toán di động sẽ giúp các nước có thu nhập thấp có cơ hội bổ sung thêm GDP: tỷ lệ tăng thêm này tại Ethiopia, Ấn Độ và Nigeria là từ 10 đến 12%, Pakistan khoảng 7%, Brazil, Trung Quốc và Mexico trong khoảng từ 4 đến 5%.
Thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của sự chuyển đổi từ việc thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán bằng kỹ thuật số, nhưng việc thực hiện quá trình này thực sự không dễ dàng đối với mỗi quốc gia. Một trong các lý do chính là quá trình chuyển đổi chỉ thành công với sự cộng tác giữa các thành phần trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư. Vì thế, để góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập nền kinh tế số cho các nước đang phát triển bao gồm cả các nước mới nổi, tổ chức The Better Than Cash Alliance đã giới thiệu 10 giải pháp sau khi đã khảo sát tiến trình này tại 25 nước và ghi nhận những thành công chưa từng có tại đó.
1. Xúc tiến việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ giữa các công ty nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, từ đó tạo thói quen cho người tiêu dùng và kết nối vào hệ thống thanh toán các chuỗi giá trị như P2B hay B2B. Nhưng để làm được việc này cần thiết phải tạo nên những kênh kinh doanh hấp dẫn nhằm lôi kéo sự tham gia của mọi người. Ở Thụy Điển, những sáng kiến như thế đã được đưa ra từ các năm 1990 và nay thanh toán số đã trở thành thói quen của toàn xã hội, bao gồm cả những người vô gia cư.
2. Khuyến khích các nền tảng (platform) và mạng xã hội cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thanh toán số nhằm đẩy nhanh tốc độ số hóa nền tài chính và hạ thấp chi phí. Việc sử dụng các nền tảng này một mặt tạo nên tầm với đến những người sử dụng xa nhất, bao gồm cả P2B, P2P và P2G, mặt khác sử dụng công nghệ sẵn có để phát triển thị trường thanh toán số làm cho các loại chi phí thấp đi, thời gian ngắn lại và số khách hàng tăng thêm.
3. Thiết lập một hạ tầng kỹ thuật số chia sẻ giữa các dịch vụ thanh toán, bao gồm các tổ chức tư nhân và công lập, nhắm hạn chế những rào cản và thúc đẩy sự sáng tạo. Các loại hạ tầng chia sẻ như API (Application Program Interfaces) và các giải pháp trao đổi dữ liệu rất có ý nghĩa trong mục tiêu này. Ở Estonia, công nghệ X-Road là một lớp trao đổi dữ liệu giữa 939 tổ chức cả công lẫn tư cung cấp đến 1.723 loại hình dịch vụ. Người ta tính ra rằng trong năm 2014 lớp trao đổi dữ liệu này đã làm tiết kiệm được 2,8 triệu giờ công lao động.
4. Tạo khả năng phối hợp nhằm làm giảm các rào cản, vốn trước đây chỉ cho phép giao dịch trong một nền tảng. Việc này mở rộng sự chọn lựa cho người sử dụng và làm cho họ thích thú dịch vụ số hơn, nhưng lại đòi hỏi sự cộng tác ở tầng cao giữa các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính. Tanzania đã có thể tạo nên sự liên kết giữa bốn nhà cung cấp dịch vụ tạo nên thị trường phân mảnh trước đó. Việc này không làm mất đi thị phần của họ mà trái lại làm gia tăng dịch vụ tài chính số lên đến 3,5 lần giá trị của các năm trước.
5. Triển khai một chương trình chứng thực hợp nhất cho cả lĩnh vực tư lẫn lĩnh vực công nhằm đẩy nhanh tốc độ xâm nhập tài chính số vào nền kinh tế. Trong trường hợp này phải chuẩn bị một khung pháp lý để bảo đảm quyền riêng tư, sự an toàn và khả năng kiểm soát dữ liệu. Ở Ấn Độ chương trình chứng thực hợp nhất đó có tên là hệ thống Aadhaar, sử dụng hình thức nhận dạng sinh trắc học cho hơn 1 tỉ người, và từ đây tạo nên một hệ sinh thái nhận dạng chung giữa các thành viên dựa trên bộ dữ liệu tập trung Aadhaar.
6. Số hóa các giao dịch tài chính sử dụng hằng ngày giữa các bên P2B hay P2P, như việc đóng tiền điện, điện thoại hay tiền nước. Cần thiết phải tạo ra những sự khích lệ cho người tiêu dùng, thí dụ như phương pháp PAYG (Pay-as-you-go) cho phép sử dụng đến đâu trả tiền đến đó. Ở Rwanda, công ty Mobisol đã áp dụng hệ thống PAYG cho phép sử dụng điện thoại để trả tiền sử dụng năng lượng mặt trời, kết quả là doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh nhờ người tiêu dùng siêng trả phí hơn, thay vì đợi đến ba tháng mới cử nhân viên đi thu như trước.
7. Số hóa các giao dịch tài chính nhà nước như G2P và G2B, thí dụ những việc đóng thuế hay hoàn thuế, với mục đích là làm giảm chi phí thanh toán, giảm công sức lao động đồng thời hạn chế sự thất thoát. Rất nhiều nước đã có bước đi tiên phong trong biện pháp này. Ở Brazil, các giao dịch G2P đã được thực hiện thống nhất qua hệ thống thẻ BFP của chương trình Bolsa Familia Program đến tận gia đình, và nhờ thế chính phủ đã có thể cắt bớt 31% phí tổn khi cấp tiền cho những người nghèo. Hiện tại, một phần tư dân số nước này đã có thẻ BFP mà nhờ đó đã có thể tiếp cận được với cả các nguồn tài chính ngân hàng.
8. Số hóa các biên lai thu - chi nhà nước, và đây cũng là biện pháp tạo sự tiện lợi cho cá nhân, doanh nghiệp cũng như giảm thiểu tình trạng thất thu, nhất là trong lĩnh vực giao dịch P2G và B2G. Ở Tanzania, việc số hóa các biên lai thanh toán B2G tại cảng Dar es Salaam đã tiết kiệm cho Chính phủ đến 175 triệu đô la – vốn thường bị thất thoát trong các năm trước đó. Ở đây sự minh bạch mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế, và kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ Tanzania đã có thêm 1,8 tỉ đô la vào GDP của nước này nhờ biện pháp số hóa các biên lai thu - chi nhà nước.
9. Thiết lập và điều chỉnh các quy định nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và thực hành có trách nhiệm các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Việc kịp thời hình thành hay sửa đổi các luật lệ cho phù hợp với hoàn cảnh có ý nghĩa rất lớn trong mục tiêu đưa quốc gia hội nhập nền kinh tế số, vốn là mục tiêu mà các nước nay đang hướng đến. Năm 2005, Sri Lanka đã kích hoạt dịch vụ ngân hàng di động eZ Pay nhưng rồi mọi việc nằm im ở đó cho tới khi luật lệ được sửa đổi năm 2012, và lượng người sử dụng eZ Pay cho tới nay đã vọt lên con số 2,2 triệu.
10. Cuối cùng là tạo ra chính sách khuyến khích và củng cố hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các dịch vụ đã được số hóa hoàn chỉnh. Hơn hết, người áp dụng dịch vụ tài chính số phải được biết về lợi ích của cá nhân, của doanh nghiệp và của nhà nước trong việc gia nhập nền kinh tế số, coi đó như một bước đi tất yếu cho việc phát triển và nhất là để không bị bỏ lại phía sau. Với những bước đi vững chắc, ngày nay chỉ còn 2% giao dịch sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển, tất cả đều đã được số hóa mà không tạo nên bất kỳ trở ngại nào.
Tài liệu tham khảo:
- How digital finance could boost growth in emerging economies (http://www.mckinsey.com)
- New United Nations Study Maps Top 10 Ways Governments and Companies Can Create Digital Economies (https://www.betterthancash.org)
- Accelerators to an Inclusive Digital Payments Ecosystem (https://www.betterthancash.org)
Hoàng Việt
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn