Để cái bắt tay giữa FDI và doanh nghiệp nội chặt hơn
Xu thế dịch chuyển đầu tư FDI sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, là cơ hội để kinh tế trong nước và khu vực FDI có cái bắt tay chặt hơn. Tuy nhiên, sự liên kết giữa doanh nghiệp nội và khu vực FDI vẫn còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự rụt rè của doanh nghiệp trong nước.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh). Ảnh: T.Bình |
Liên kết yếu và rời rạc
Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (Usaid), thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất của khối FDI. Đơn cử như hãng Apple bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng sản xuất tai nghe tại Việt Nam với khoảng 4 triệu chiếc tai nghe được sản xuất trong quý 2/2020. Hai hãng Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi đó, Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng. Hãng Panasonic cũng sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội để thành trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông Nam Á. Đây là những tin vui cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, Việt Nam, cụ thể là DN Việt Nam, liệu sẽ tận dụng được những gì từ cơ hội lớn này.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: "DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến. Các cấp, các ngành cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”, nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế". |
Cũng theo nghiên cứu của Usaid, thách thức kết nối khu vực FDI đối với DN Việt chính là chi phí gia công cao, thiếu minh bạch trong tính giá thành vì kiểm soát chi phí kém; nhà cung cấp không đủ tin cậy, không làm đúng như cam kết, giao hàng chậm, không đúng hoặc không đủ so với đơn hàng... DN Việt Nam cũng còn nhiều vướng mắc trong kết nối bởi hiện Việt Nam vẫn nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất, trong đó, ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85-90%, ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất...
Số liệu từ Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, Việt Nam thu hút số lượng lớn DN FDI nhưng cơ cấu nhập khẩu khá lớn, trong 1 USD xuất khẩu thì có tới 0,4 USD nhập từ nước ngoài. Cùng với những hạn chế đó, việc chỉ có 5% số DN Việt là DN vừa và lớn là những nguyên nhân làm cho DN nội khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, cái bắt tay chặt chẽ giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước vẫn là dấu chấm hỏi cần thời gian để trả lời.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển DN khu vực tư nhân trong nước. Song thực tế là sự liên kết của các DN Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn, giữa DN Việt Nam và các DN FDI; mức độ tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Sự liên kết giữa các khu vực DN còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả FDI, đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở.
“Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô nhỏ bé nên đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Đồng thời, DN Việt vẫn còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cần thay đổi tư duy
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam
“DN tham gia chuỗi cung ứng của Samsung phải đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước sở tại về lao động, tiền lương... Nếu DN đang kinh doanh với Samsung mà chậm trả lương từ 3-6 tháng, thì Samsung buộc phải tìm giải pháp khác để giảm thiểu rủi ro, bởi thất nghiệp, đình công sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của Samsung. Bên cạnh đó là sự đảm bảo trách nhiệm xã hội về vấn đề về môi trường, xử lý rác thải…”. |
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thu Thuỷ, đại diện Công ty Panasonic Việt Nam cho biết, Panasonic Việt Nam luôn dành cơ hội cho các DN bao gồm cả DN trong và ngoài nước với những điều khoản, tiêu chuẩn rõ ràng, DN nào đáp ứng được các tiêu chí thì sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng của Panasonic. Tuy nhiên, DN FDI tiếp cận rất tích cực, còn DN trong nước vẫn còn rụt rè, khi thấy có nhiều đối thủ thì DN nội lo ngại về vấn đề có thể cạnh tranh được hay không. “Tôi cho rằng, trước yêu cầu của người mua, DN cần phải tự tin và chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình có thể đáp ứng được thì có thể tham gia vào chuỗi giá trị của DN FDI”, bà Hoàng Thu Thuỷ nói.
Còn theo bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Canon Việt Nam, số lượng nhà cung cấp linh kiện cho Canon Việt Nam là 340 DN trên toàn cầu, trong đó có 147 DN Việt Nam, nhưng DN thuần Việt chỉ khoảng 20 DN và con số này gần như không tăng trong mấy năm qua. Hiện Canon có 59 nhóm hạng mục với 300- 400 linh kiện cần cung cấp, nhưng các DN Việt Nam mới chủ yếu cung cấp linh kiện dễ làm như nhựa, bao bì... Đại diện Canon gợi ý, thay vì cung cấp những linh kiện dễ làm, đơn giản, các DN cần có sự đầu tư để sản xuất ra các thiết bị có hàm lượng công nghệ cao hơn.
“Khi đã vào chuỗi cung ứng, yêu cầu của khách hàng rất cao, vì đây là những sản phẩm toàn cầu, cung cấp cho khách hàng đòi hỏi nhất về chất lượng, giá thành, vì họ luôn phải đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và cạnh tranh với các DN khác. Theo đó, các DN nội cần quyết tâm, liên tục cải tiến để tham gia trong chuỗi cung ứng. Cần tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật, phát triển những linh kiện ít có sự cạnh tranh, đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ sư để bảo đảm tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Đào Thị Thu Huyền khuyến nghị.
Theo chia sẻ của một số DN khác, cái khó của DN nội chính là bản thân các DN mong muốn nhưng chưa đủ quyết tâm, chưa đủ kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu phải bắt tay được với DN FDI, phải đặt được chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Để có sản phẩm vào được chuỗi cung ứng thì DN phải đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, chi phí vốn có thể lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, khi đã đầu tư lớn mà không có được đơn hàng thì cũng rất rủi ro, nhưng nếu không đầu tư thì không có đơn hàng để làm. Những khó khăn này tạo nên vòng luẩn quẩn của DN nội trong quá trình kết nối với khu vực FDI.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Samsung Việt Nam hiện có 42 DN cung cấp linh kiện cấp 1 là DN nội, mục tiêu của DN này là đến cuối năm 2020 sẽ có 50 DN cấp 1. Song theo chia sẻ, khả năng DN Việt Nam đáp ứng được là không nhiều. Việc thay đổi công nghệ, dây chuyền đối với DN Việt Nam cũng là vấn đề rất khó khăn.
Hoài Anh
Theo HQ Online