Lãnh đạo quản trị

Trang chủ » » Dịch Covid-19: Chiến lược nào cho doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng

Dịch Covid-19: Chiến lược nào cho doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng

05/05/2020

Đại dịch Covid-19 có thể coi là “cú sốc” với nền kinh tế, tác động tiêu cực vô cùng lớn, chưa có trong tiền lệ tới mọi mặt của đời sống của người dân và mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Quý I năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ phá sản chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, trả lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê mặt bằng... Ngoài ra, có gần 30% doanh nghiệp mất tới 20-40% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Những nhóm ngành bị dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và ngay lập tức là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn), ăn uống, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

Bộ Công Thương vừa cập nhật tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, dệt may và da giày chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu bị đình trệ. Theo tính toán, chỉ cần chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ USD. 70% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động. Điều đáng nói, đây đều là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu và  tỷ lệ lao động rất lớn với đa số lao động ở khu vực nông thôn, đặt ra bài toán nan giải về an sinh xã hội cho hơn 3/4 số lao động trong hơn 3 triệu lao động trực tiếp trong những ngành này.

Kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi sản xuất kinh doanh sụt giảm vì hoạt động cầm chừng hay phải dừng hoạt động, doanh thu giảm đáng kể, trong khi vẫn phải trả các khoản bắt buộc phải chi, đặc biệt là các khoản nghĩa vụ với Nhà nước, các khoản vay ngân hàng... các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các kiến nghị chính sách của Đại học Kinh tế Quốc dân, các chính sách của Chính phủ cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngắn hạn (nhất là ở những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác. Đồng thời, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ bởi tác động của dịch Covid-19  tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn: một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt nhưng một số ngành vẫn có cơ hội tồn tại, thậm chí là tăng trưởng...

Các chính sách được đánh giá là cần thiết cho các doanh nghiệp nói chung bao gồm: miễn, giảm lãi phí ngân hàng; hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi; và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ. Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, nguồn vốn sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi là rất cần thiết nhằm giúp cho các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay tối đa 2,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường, nhất là với những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh chính sách tiền tệ (nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn) là chính sách tài khóa bao gồm: hoãn thuế , miễn giảm thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân), hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội… để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Xác định chiến lược cho doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng trong và sau dịch Covid-19

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, để hạn chế những tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp nên chủ động lên phương án “tự cứu mình” thông qua những chiến lược, những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể xem xét cập nhật chiến lược kinh doanh theo hướng: thứ nhất, tái cơ cấu doanh nghiệp để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, cập nhật công nghệ, cơ cấu lại nguồn nhân lực; thứ hai, phát triển các nguồn nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hóa trong nước, thực hiện liên kết sâu với các nhà cung ứng và phân phối nội địa; thứ ba, duy trì và lập các kênh liên lạc với các đối tác nước ngoài  để có thể khai thông và thúc đẩy các dòng luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, phụ tùng và thiết bị đầu vào và hàng hóa xuất khẩu ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng có thể bao gồm:

Một là, rà soát, hoạch định ưu tiên chiến lược tập trung vào ngành hàng cốt lõi, cắt giảm các hoạt động chưa cần thiết hay chưa hiệu quả nên để dồn nguồn lực vào các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh, hiệu quả đồng thời tập trung vào chất lượng tăng trưởng và năng suất.

Hai là, rà soát các khoản chi (tính toán chặt chẽ các ngưỡng chi phí cố định, biến đổi, chi phí vận hành…) và hoạch định lại vốn và nguồn vốn, cơ cấu lại các khoản đầu tư, cân đối chi phí kết hợp tìm cách huy động thêm nguồn tài chính…

Ba là, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở rà soát nguồn nhân lực, đào tạo lại nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng chất lượng hơn số lượng, đồng thời phát triển đa dạng kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quản trị cho nhân lực hiện có.

Bên cạnh những giải pháp trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp chỉ thực sự vượt khó thành công khi Chính phủ và doanh nghiệp tính đến cả kế hoạch hậu dịch bệnh. Doanh nghiệp mong chờ Chính phủ đưa ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng và minh bạch cho doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để linh hoạt thích ứng với thị trường sau dịch bệnh.

Theo Vietnam Report

  




Văn bản gốc