Điểm tựa cho tăng trưởng
Trong các kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2019 đều có điểm chung là khả năng đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là nhìn nhận rõ các điểm tựa để tăng trưởng không chỉ vươn tới được mục tiêu mà còn tạo dựng được sự bền vững giữa những “nhiễu nhương” của thương mại và kinh tế thế giới.
Ghi nhận tại nhiều diễn đàn kinh tế gần đây cho thấy có 3 điểm tựa cho tăng trưởng không chỉ cho năm 2019 mà còn một số năm tiếp theo. Điểm tựa thứ nhất là Chính phủ vẫn kiên định đường hướng nhất quán là duy trì phát triển kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, có nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nơi và suy thoái của các nền kinh tế trên thế giới.
Các chuyên gia phân tích, yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô luôn được Chính phủ nhấn mạnh trong chỉ đạo bởi kinh tế vĩ mô ổn định mới tạo được môi trường ổn định, dễ tiên lượng được, thúc đẩy cho cải cách môi trường kinh doanh. Những điểm sáng kinh tế trong quý I/2019 là minh chứng cho việc nhấn mạnh này
Điểm tựa thứ hai là những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân trong quý I khi mà xuất khẩu của khu vực FDI có mức suy giảm rõ rệt. Đây cũng là điều được trông đợi lâu nay và nó cho thấy, các nỗ lực “cởi trói” cho khu vực này nhất là trong việc gia nhập thị trường và tiếp cận tín dụng cần được làm rốt ráo hơn nữa.
Điểm tựa thứ ba tác động đến tăng trưởng là chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Theo tính toán, cứ 1% tăng của chất lượng chỉ số văn bản pháp luật sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện 1,3 điểm phần trăm.
Tuy nhiên yếu tố được coi là điểm tựa thứ ba này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. TS.Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt câu hỏi vì sao các bộ nói cải cách nhiều nhưng lượng doanh nghiệp giải thể vẫn là con số không nhỏ. Ông Cung mô tả đây là biểu hiện của một nền kinh tế “thiếu thị trường, thừa Nhà nước” tồn tại nhiều năm qua. Nếu không giải quyết được sẽ cực kỳ khó trong cải cách bởi Nhà nước rất nhiều nhóm đan xen, mỗi cải cách sẽ động chạm đến lợi ích của các nhóm.
Một biểu hiện khác cho thấy cần quan tâm đến điểm tựa này là hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao trong điều hành, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ.
Nó cũng gợi cho thấy trong lúc ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam phải xử lý tốt hơn các thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô khi mà tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Quang Lộc
Theo Báo Công Thương