Doanh nghiệp FDI chi phối hầu hết sản phẩm công nghệ cao
Gần 10.000 tỉ đồng đã được ngân sách chi ra trong 5 năm (2011-2015) để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, không tính các nguồn chi khác. Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam đều do doanh nghiệp FDI tạo ra.
Công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ
Những con số trên được nêu trong báo cáo giám sát chuyên đề “Hiệu quà thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học-công nghệ (KH&CN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới” do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và công bố hôm 4-10.
Kết quả tính toán cho thấy, giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC đóng góp ngày càng nhiều vào GDP giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% GDP vào năm 2020 là khả thi. Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC đều do khối doanh nghiệp FDI tạo ra.
Theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ KH&CN, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng,… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20%, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI .
Ngành đóng tàu đã từng nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ qua các chương trình trọng điểm quốc gia, cho vay vốn tín dụng với lãi suất thấp.... Ảnh:TL
Điều này thật sự tỷ lệ nghịch với các con số về mức độ đầu tư, số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam. Báo cáo thống kê, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là hơn 11.700 bài, công trình, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010; tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. Toán học, vật lý và hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng số công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng toán học, số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí dự toán ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia là 9.610 tỉ đồng, trong đó Bộ KH&CN quyết định 78% tổng số kinh phí, các bộ, ngành khác quyết định 21,9% tổng số kinh phí. Bình quân ngân sách nhà nước cho một nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2011-2015 là khoảng gần 5 tỉ đồng, giai đoạn 2001-2005 là 3 tỉ đồng.
Doanh nghiệp hỗ trợ chỉ được hưởng lợi trên giấy
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm ba nhóm ngành sản xuất chính: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. So với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03%, trong đó, có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất ô tô, xe máy, điện tử.
Hầu hết, nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu. Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ô tô 20-30%, da giày, dệt may trên 10%... Điều này dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém. Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu.
Số doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỷ trọng ít ỏi.
Tương tự, doanh nghiệp làm công nghiệp cơ khí cũng èo uột. Cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí, với 53.000 cơ sở sản xuất, trong đó có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể, 156 xí nghiệp tư doanh,... Sự phân bổ số lượng các doanh nghiệp nhà nước không đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu là các cơ sở sửa chữa.
Nhu cầu về máy và thiết bị giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo là khá lớn. Con số được dự báo hàng năm về nhu cầu máy và thiết bị trong giai đoạn 2011-2025 xấp xỉ 250 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, dự kiến trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi hàng chục tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Năng lực ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước.Tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp trong nước là đều thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu, sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm CNC.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước mặc dù đầy đủ nhưng doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Việc đầu tư của ngành cơ khí chế tạo những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành.