Tin tức

Trang chủ » » Doanh nghiệp FDI nêu tên những rào cản kinh doanh

Doanh nghiệp FDI nêu tên những rào cản kinh doanh

15/03/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Khảo sát thu thập ý kiến của 1.550 doanh nghiệp FDI đến từ 46 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã chỉ ra những bất cập trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, theo Báo cáo PCI 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 14-3.

Nêu tên những bất cập

Theo khảo sát, năm 2016, 72% doanh nghiệp cho biết họ mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng đáng lẽ được dùng để quản lý và phát triển doanh nghiệp.

Dù số cuộc thanh tra, kiểm tra mỗi năm tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, song vẫn còn gần 5% doanh nghiệp FDI bị thanh tra, kiểm tra trên 8 lần. Theo các doanh nghiệp FDI, đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan.

Dù đã giảm đáng kể so với năm 2014, nhưng vẫn có tới 68% doanh nghiệp FDI tin rằng các doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền và đặc lợi hơn.

Về tham nhũng, các doanh nghiệp FDI cho biết, năm nay một số loại tham nhũng vặt có xu hướng giảm.

Khoảng 25% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh để có được các hợp đồng của cơ quan nhà nước. Cả hai tỷ lệ này đều giảm so với năm 2015.

49% doanh nghiệp đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2015.

56% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2015.

19% doanh nghiệp lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết. Một lần nữa, chỉ tiêu này cũng giảm đáng kể trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy tình trạng tham nhũng vẫn còn tương đối phổ biến ở một số lĩnh vực.

88% doanh nghiệp cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước, cho thấy “văn hóa chi trả hoa hồng” có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.

45% doanh nghiệp đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% doanh nghiệp cho biết bị cán bộ thanh tra, kiểm tra đòi hỏi. Tỷ lệ này nhỏ hơn 5 lần so với tỷ lệ doanh nghiệp chủ động đưa biếu (44%). Cho tới nay, nội dung có tỷ lệ trả lời cao nhất là các doanh nghiệp tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi (59%).

Mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ, với tỷ lệ gần 80% doanh nghiệp trả lời, là nhằm tạo lập mối quan hệ. Doanh nghiệp chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, theo đó, một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, minh họa mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau.

Gia tăng đầu tư

Báo cáo cho biết thêm, năm 2016, 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Hơn một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.

Hơn 90% doanh nghiệp FDI có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng ba tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Khoảng 40% doanh nghiệp trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉ một tháng. Đây là tỷ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định bản báo cáo này có tầm quan trọng sống còn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy rằng chi phí gia nhập thị trường đã giảm đáng kể, và họ coi đó là nhờ có Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014”, ông nói.

Theo báo cáo, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Tương tự như nguồn vốn FDI đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore và Trung Quốc.

Tư Giang

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  




Văn bản gốc