Doanh nghiệp Vật liệu xây dựng trong dịch Covid-19: Nhiều khó khăn, lắm thách thức
Theo nhận định của Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Giám đốc Thương mại Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) (INSEE), năm 2019 là một năm rất khó khăn đối với thị trường Vật liệu xây dựng Việt Nam. Năm nay, có thể sẽ còn nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp thách thức trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn mặn ở miền Tây.
Những yếu tố gây khó khăn cho thị trường Vật liệu xây dựng Việt Nam
Năm 2019, do ảnh hưởng từ ngành Bất động sản và nhu cầu đầu tư của người dân nói chung, thị trường Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và có phần chững lại.
Nếu trong nửa đầu năm 2019, tình hình vẫn khá ổn định thì nhu cầu thị trường sau đó đã giảm đột ngột, chủ yếu là do vấn đề cấp phép dự án bất động sản ở thị trường TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhu cầu VLXD cũng giảm mạnh tại Phú Quốc.
Việc Chính phủ siết chặt tín dụng dành cho bất động sản cũng khiến tình hình thị trường trở nên khó khăn hơn trong 6 tháng cuối năm vừa qua.
Không chỉ vậy, vấn đề cấp phép xây dựng và sự chồng chéo trong luật liên quan đến lĩnh vực Xây dựng – Bất động sản cũng đã và đang gây ảnh hưởng lớn lên thị trường bất động sản, dẫn đến tác động tiêu cực tới nhu cầu về VLXD. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, cả năm 2019, chỉ có duy nhất một dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%.
“Đây là một dấu hiệu rõ ràng về những khó khăn trong nguồn cung cho bất động sản vào năm 2020”, theo ông Baptiste Legeret - Giám đốc Thương mại của Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) (INSEE).
Năm 2020: Thách thức, nhưng cũng là cơ hội
“Năm 2020, sự cạnh tranh trên thị trường VLXD nói chung và ngành ống nhựa nói riêng chắc chắn sẽ khốc liệt hơn” - đó là nhận định của ông Chu Văn Phương – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Sự bùng phát và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, sự bất ổn chính trị từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc… khiến người dân có xu hướng tích cóp các nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, thay vì chi tiêu vào các bất động sản. Chính phủ Việt Nam cũng vừa ký kết thành công Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc các sản phẩm vật liệu châu Âu sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và đem lại thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, ngành xi măng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến sự bất ổn của toàn bộ doanh nghiệp xi măng trong ngành. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa ước tính sẽ tăng từ 4-5% so với năm 2019. Nhưng dịch bệnh và thiên tai đang diễn ra sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân và nhu cầu về nhà ở sẽ giảm trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi ước tính trong thực tế con số này sẽ thấp hơn”, ông Baptiste Legeret cho biết, “Lí do là vì vấn đề giấy phép xây dựng vẫn chưa được giải quyết, các dự án cơ sở hạ tầng lớn vẫn chưa được triển khai, việc thắt chặt tín dụng vào Bất động sản cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn ở miền Tây”.
Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tăng trưởng của ngành VLXD nói riêng trong trung và dài hạn, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn giữ thái độ lạc quan khi tỉ lệ đô thị hóa còn ở mức thấp, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cùng với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản thương mại, nhà ở và du lịch còn nhiều tiềm năng. Trong đó, thị trường nhà ở dân dụng có xu hướng phát triển ổn định trong trung hạn, còn phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam.
Những thách thức cũng sẽ đem lại cơ hội. Thương chiến Mỹ - Trung, Hiệp định CPTPP sẽ góp phần tác động chuyển hướng dòng vốn đầu tư từ Hoa Kì và Trung Quốc sang Việt Nam cùng một số nước ASEAN, tiếp tục kích cầu ngành Bất động sản khu công nghiệp, ngành Xây dựng và cả ngành VLXD.
Việc gia tăng cạnh tranh sẽ khiến thị trường đòi hỏi các sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu xây dựng ngày càng đa dạng, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín của mình.
Khuyến nghị chính sách và giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp VLXD uy tín
Rõ ràng, việc cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn với nhiều yếu tố tác động và các bên liên quan bất định là vấn đề vô cùng quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ. Theo ông Baptiste Legeret, cần có các hành động nhanh chóng và thiết thực để hỗ trợ thị trường Bất động sản nói chung trong vấn đề giấy phép và luật định.
“Tôi tin rằng việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn là rất quan trọng để kích cầu nền kinh tế. Nhờ vào đó, ngành Xây dựng sẽ được hưởng lợi để cải thiện tình hình và cho phép tăng trưởng hơn nữa”, đại diện INSEE Việt Nam bổ sung.
Nâng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng, tạo điều kiện cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành; tuy nhiên vẫn phải phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế và sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vật liệu xanh, công trình xanh – xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ – nhằm giảm thiểu tác động môi trường của ngành VLXD. Chẳng hạn, nên có các quy tắc chặt chẽ hơn về phát thải CO2 cụ thể trên mỗi tấn xi măng và chuyển sang ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp PCB (Portland Cement Blended).
Ngoài ra, công nghệ cũng là giải pháp tối ưu mà nhiều doanh nghiệp VLXD quan tâm. Hướng tới sự tiện lợi và tối đa giá trị sử dụng cho khách hàng, Nhựa Tiền Phong với lịch sử phát triển 60 năm đã liên tục cập nhật công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Tập đoàn Battenfeld Cincinnati (Đức), Tập đoàn Unicor GmBh Hassfurt (Đức), Tập đoàn Corma (Canada)… và hợp tác với Tập đoàn Sekisui để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao mang tính tiên phong tại thị trường Việt Nam như hố ga nhựa, phụ tùng hàn điện trở… Trong khi đó, INSEE Việt Nam – công ty đầu tiên tại Việt Nam được Hội đồng Công trình Xanh Singapore (SGBC) cấp chứng nhận về sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường – đã triển khai công nghệ Đồng Xử Lý để dùng các nhiên liệu thay thế khác nhằm sản xuất xi măng thay vì nhiên liệu hoá thạch truyền thống trong hơn 10 năm qua.
Song song với việc phát triển kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cũng là ưu tiên đặt ra của các doanh nghiệp VLXD hiện nay. Gần đây, INSEE Việt Nam đã phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ triển khai dự án “Nước cho vùng hạn mặn” với tổng giá trị tài trợ lên đến 1,5 tỷ đồng. Cụ thể, dự án sẽ tài trợ 500 triệu đồng để mua các máy lọc nước, bồn chứa nước nhằm trang bị cho các hộ dân và 500 tấn xi măng INSEE Extra Durable dùng để hỗ trợ công trình phục vụ chống mặn và nhà dân tại một số tỉnh ở ĐBSCL, góp phần giảm thiểu tác động của hạn mặn.
Dự án “Nước cho vùng hạn mặn” hỗ trợ người dân miền Tây.
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Nhựa Tiền Phong cũng triển khai chương trình “Cầu nối yêu thương” từ tháng 10/2017, đến nay đã có gần 50 cây cầu được xây dựng dành cho các khu vực khó khăn để nâng bước cho các em học sinh đến trường với nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng sát cánh cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh bằng cách hỗ trợ 300.000.000 VNĐ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hải Phòng. Bản thân các doanh nghiệp không chỉ tự vượt khó mà còn sát cánh cùng cộng đồng vượt khó.
“Cầu nối yêu thương” số 21 được khánh thành ngày 03/09/2019 tại Hà Giang.
Ảnh: Hữu Phước – Báo Đầu tư
Nằm trong Top 10 Công ty VLXD uy tín năm 2019 do Vietnam Report nghiên cứu và công bố, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty TNHH Siam City Cenment (Việt Nam) đều là những đại diện tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các sản phẩm bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội, từ đó mang lại lợi thế kinh doanh và uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp.
Vietnam Report