Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số
15/01/2018
Chuyên mục: Xu hướng thị trường In trang
Nền kinh tế thế giới đang thay đổi sâu rộng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển mạnh sang kinh tế số - nền kinh tế mà hầu hết các lĩnh vực đều dựa vào hoặc sử dụng mạng Internet và các nền tảng giao thức Internet (Internet Protocol).
Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng mạnh mẽ này. Giờ đây, kinh tế số không chỉ là áp lực, thách thức hay cơ hội phát triển cho bất kỳ một doanh nghiệp nào mà trên hết, đó còn là bài toán chiến lược với Việt Nam để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam – mảnh đất tiềm năng chưa được khai thác tốt
Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn…), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo…), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng… Năm 2016, lĩnh vực thương mại điện tử (E-Commerce) của nước ta đạt doanh thu 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015 và dự báo đến năm 2020, con số này có thể chạm ngưỡng 5 tỷ USD.
Nhưng nhìn chung, mức độ đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt vào kinh tế số còn quá yếu, nếu so với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, chỉ mới có 1,7% số người trong độ tuổi lao động trong nước tham gia vào nền kinh tế số với đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội. Doanh số của hoạt động thương mại điện tử chỉ chiếm 3% trong tổng doanh thu ngành bán lẻ (thế giới bình quân là 8%). Ở nước ta có hơn 600.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp làm trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin chỉ chiếm 4%. Xét riêng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chỉ có 21% tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ kinh tế số với việc chuyển giao kiến thức, công nghệ, nâng cao năng suất, khả năng tiếp cận khách hàng và hiệu quả hoạt động.
Theo Khảo sát các doanh nghiệp lớn Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report, yêu cầu về nguồn vốn đầu tư là rào cản lớn nhất mà đa số doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng đang là một trong những thách thức lớn khi số hóa ngày càng trở nên phức tạp, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ cho kinh tế số còn nhiều bất cập, chứa đựng nhiều nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin. Ngoài ra, việc kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (mạng lưới cộng tác, chia sẻ dữ liệu, hệ sinh thái…) chưa thực sự hiệu quả, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động một cách phân tán, manh mún.
Hình 1. Những rào cản trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp
Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp lớn Việt Nam (VNR500) – Vietnam Report, tháng 11/2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế kể trên, thống kê của Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 34.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước và tạo trên 700.000 việc làm. Với tỷ lệ người dùng smartphone và Internet khá cao khi có hơn 50 triệu chiếc điện thoại thông minh và 75% số người thường xuyên truy cập mạng toàn cầu, có thể thấy người Việt thuộc nhóm ưa thích công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để phát triển kinh tế số.
Được đánh giá là một trong những quốc gia bắt nhịp nhanh và có bước tăng trưởng mạnh về kinh tế số trong khu vực ASEAN thời gian vừa qua, Việt Nam có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai.
Nhận diện cơ hội: Cần bắt đầu từ chính doanh nghiệp
Khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số với CMCN 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ. Yếu tố công nghệ trong nền kinh tế số đã chạm tới hầu hết các lĩnh vực như giao thông vận tải, bán lẻ, nông nghiệp…
Theo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt cần chủ động nhận thức bối cảnh kinh doanh đang thay đổi với tốc độ chóng mặt; nhận diện thách thức và cơ hội của nền kinh tế số để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và hiệu quả, thậm chí có thể thành lập ban chỉ đạo/tổ công tác về hội nhập kinh tế số. Ở đây, điều quan trọng là tạo ra sự kết nối mạnh mẽ về tầm nhìn, có sự nhất trí và đồng hành của mỗi thành viên trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0. Cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Ở giai đoạn đầu, chúng ta có thể bắt đầu từ những việc trong khả năng; ví dụ như trang bị các cảm biến kết nối Internet, sau đó tính đến việc trang bị quy trình tự động hoá và sử dụng robot trong quy trình sản xuất…
Bên cạnh đó, cần mạnh dạn khai tử những yếu tố cũ không còn phù hợp và xây dựng yếu tố mới hướng tới kinh tế số, không ngại thất bại để có thể phát triển nhanh hơn, không ngừng học hỏi những kinh nghiệm tốt. Và dù trong nền kinh tế nào thì quan trọng nhất là phải đứng trên nhu cầu và tầm nhìn của khách hàng xem họ muốn gì để nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Để tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cần tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh sẽ là những điểm sáng cần tập trung đầu tư phát triển để Việt Nam có thể nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế số thế giới.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không hoàn toàn bị phụ thuộc vào những nhân tố bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số - bởi trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ vũ bão như hiện nay có thể xuất hiện thêm những nhân tố mới tiên tiến hơn. Trong vai trò này, các doanh nghiệp lớn với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa nền kinh tế quốc gia.
Phạm Trí Hùng