Doanh nghiệp chịu sức ép lớn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Khả năng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa cao. Đây là một “thiệt thòi” lớn của các doanh nghiệp bởi Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội mở cửa cho hội nhập cũng như hợp tác quốc tế.
Tỷ lệ tham gia chuỗi còn thấp
Theo Ngân hàng Thế giới, các chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra khoảng 50-60% tổng giá trị gia tăng của Việt Nam. Hiện quy mô thương mại của Việt Nam tương tương hơn 200% GDP; tuy vậy, phần nhiều hoạt động kinh tế này lại phụ thuộc vào các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, khu vực FDI chiếm khoảng 80% hoạt động sản xuất xuất khẩu và 72% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong khi đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rất ít DN tư nhân trong nước tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, hoặc chỉ ở phạm vi là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, hay dưới hình thức xuất khẩu cho bên thứ ba là các DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện chỉ có 21% DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% tại các nước thành viên ASEAN.
Bên cạnh số lượng ít, chất lượng của việc tham gia vào các chuỗi giá trị cũng đang chịu sự cạnh tranh của các DN FDI. Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do VCCI phối hợp thực hiện cho thấy, hoạt động của các DN FDI tiếp tục có xu hướng nhỏ đi, cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Báo cáo PCI 2018 cho biết, số DN tham gia điều tra có sử dụng 1.000 lao động trở lên giảm từ 6,4% (năm 2017) xuống còn 4% (năm 2018). Sự thu hẹp quy mô lao động của các DN FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. So với năm 2017, năm 2018 chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ DN nằm trong các nhóm quy mô nhỏ; chỉ có 3,9% số DN được hỏi cho biết có vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng, trong khi năm ngoái tỷ lệ này là 5,9%.
Không những thế, nghiên cứu của GS.TS. Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ cho hay, các DN FDI tại Việt Nam thường hoạt động theo chiến lược “Trung Quốc + 1” (nghĩa là, các DN nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar...). Vì thế, một số chuyên gia đã cảnh báo, nhiều DN FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh – nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những DN FDI như vậy có thể lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và hưởng lợi từ sự lan tỏa của công nghệ và quản trị. Thực tế là vấn đề trên đã được đưa ra cảnh báo từ sớm, khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng tính đến việc sẽ quy định về mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án FDI như một biện pháp để giải quyết vấn đề trên.
Rủi ro tranh chấp
Nói về trở ngại của DN Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, nguyên nhân không chỉ đến từ trình độ lao động, chất lượng quản trị, nguồn lực tài chính mà còn do hệ thống giải quyết tranh chấp còn hạn chế. Bởi một DN chỉ quen cách làm truyền thống, giải quyết hợp đồng dựa trên quen biết, phân xử phi chính thức thì sẽ rất khó làm việc với DN nước ngoài; do các đối tác nước ngoài luôn lo ngại về rủi ro pháp lý.
Cũng về vấn đề này, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng hiện nay, mức độ quan trọng của lòng tin và giao kết hợp đồng ngày càng gia tăng. Các cơ hội làm ăn kinh doanh với DN và nhà đầu tư nước ngoài tăng lên, song mỗi giao dịch đều tiềm tàng rủi ro tranh chấp cho các bên. Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong 25 năm qua, khoảng 23,3% số vụ tranh chấp được giải quyết qua VIAC có các bên là DN FDI, 36,6% số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trong số các tranh chấp có các bên là DN FDI, 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 25% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực cho thuê, 16% thuộc lĩnh vực dịch vụ… Tranh chấp trong nhiều trường hợp thường là do hàng hóa giao trễ hoặc bị hư hỏng,thanh toán không đúng hạn, dịch vụ không đạt chất lượng yêu cầu…
Tuy nhiên, không ít DN cho rằng, việc đảm bảo thực thi hợp đồng là tốn kém và thiếu chắc chắn tại Việt Nam. Theo Báo cáo thường niên Doing Business của Ngân hàng Thế giới, giải quyết một tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại Tòa án TP.HCM mất khoảng 400 ngày, khiến DN tốn kém khoảng 29% trị giá hợp đồng. Do những e ngại này, các DN có xu hướng tìm kiếm một số phương thức khác để giải quyết tranh chấp.
Tuy vậy, các cam kết giải quyết tranh chấp thông qua tham gia các hiệp định thương mại quốc tế sẽ là chưa đủ để khắc phục tình trạng năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Do đó, điều cần thiết là Việt Nam phải thiết lập được một chính sách toàn diện, trong đó coi cơ chế giải quyết tranh chấp là một trụ cột trong chuỗi những giải pháp bao gồm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hệ thống pháp luật và chất lượng điều hành trong nước.
Lan Hương
Tổng hợp