Tin tức

Trang chủ » » Doanh nghiệp đắn đo chuyển đổi số

Doanh nghiệp đắn đo chuyển đổi số

20/06/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Chuyển đổi số là con đường tất yếu trong kỷ nguyên 4.0, song vẫn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đắn đo, bởi chi phí đầu tư chuyển đổi là không nhỏ.

Con đường tất yếu

Theo nghiên cứu của Microsoft, chuyển đổi số góp phần tích cực giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động là 15%, dự kiến năm 2020 là 21%.

Từng có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, GS-TSKH. Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) khẳng định, số hóa luôn là lợi thế cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.

Trong kỷ nguyên 4.0, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, nếu muốn tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường thì không thể “nói không” với chuyển đổi số, số hóa quy trình vận hành và quản lý.

“Chuyển đổi số là con đường tất yếu, nên các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể để theo đuổi”, GS-TSKH. Hồ Tú Bảo nói.

Nhấn mạnh chuyển đổi số đang là xu hương trên toàn cầu, theo ông Lui Sieh, chuyên gia tư vấn cao cấp về chuyển đổi số đến từ Hồng Kông, khi chuyển đổi số, cả doanh nghiệp và khách hàng đều được hưởng lợi. Cụ thể, khách hàng có thêm trải nghiệm mới, còn doanh nghiệp không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn có năng lực để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về dịch vụ, sản phẩm...

Chia sẻ xu hướng và tác động của chuyển đổi số, TS. Phương Trầm, cựu CIO từng trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của DuPont - doanh nghiệp thành công nổi trội hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới cho biết, với cách tiếp cận khác biệt, các chương trình chuyển đổi số của DuPont đã tạo ra hiệu quả lớn. Thông qua chuyển đổi số, DuPont đã tiết kiệm được 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi nhuận, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng, thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác Microsoft, SAP, AT&T… 

Không nằm ngoài xu thế, thời gian qua, các tập đoàn lớn ở Việt Nam như FPT, TH, Vinamilk… cũng đã dấn thân vào công cuộc chuyển đổi số.

Ngay trong năm 2019, với sự tư vấn của TS. Phương Trầm, FPT sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (Near - Realtime Data - Driven Enterprise) để nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng thông qua qua đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, BigData, tự động tương tác trò chuyện (Chatbot)... trong các hoạt động của Tập đoàn.

Doanh nghiệp còn đắn đo

Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn là điều không thể bàn cãi, nhưng đến nay, vẫn còn rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cuộc chơi này.

Ông Phí Anh Tuấn, đồng sáng lập Cộng đồng CIO Vietnam và IT leader Community cho biết, bức tranh chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam chưa tích cực. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ 6,6% doanh nghiệp đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% doanh nghiệp sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% đang chuẩn bị vốn, nguồn lực và có tới 31,1% doanh nghiệp chưa làm gì.

Báo cáo Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng từ Cisco cũng chỉ ra, các doanh nghiệp trong khu vực, ngoại trừ Singapore, đều “thờ ơ với kỹ thuật số”.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI cho biết, nguyên nhân là do các doanh nghiệp ngại thay đổi, thiếu nguồn nhân lực có đủ khả năng, tri thức để thực thi và vận hành mô hình chuyển đổi số. Nhưng quan trọng nhất là, doanh nghiệp còn đắn đo vì chi phí đầu tư cho công nghệ lớn và e ngại không thu lại kết quả như kỳ vọng.

Vậy hướng đi nào cho doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số? Ông Hồ Việt Anh, CEO Công ty TNHH Quốc tế OSAM - đơn vị đã thực hiện số hóa cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chia sẻ, một số doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ mà đã vội vàng chọn phương án chuyển đổi số, nên phép thử đó phải trả giá đắt. Nếu doanh nghiệp chọn phương thức phù hợp và có chuyên gia đồng hành, chắc chắn sẽ tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro. “Khi chuyển đổi số trên nền tảng điện toán đám mây, doanh nghiệp không phải đầu tư quá nhiều hạ tầng ban đầu, không cần dùng các máy chủ vật lý, cồng kềnh, như vậy sẽ giảm được đáng kể chi phí đầu tư”, ông Hồ Việt Anh nói.

Đào Hương

Theo Báo đầu tư

  




Văn bản gốc