Doanh nghiệp điện tử nội thất thế trên sân nhà
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện trong số 100 doanh nghiệp (DN) điện tử lớn nhất Việt Nam thì có tới 99 là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam lép vế hoàn toàn khi chỉ có duy nhất một DN lọt tốp là DN Nhà nước và đứng ở vị trí thứ 100.
Doanh nghiệp nội chủ yếu vẫn là lắp ráp
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngành điện tử là biểu tượng cho hội nhập của Việt Nam và được đánh giá là ngành công nghệ cao, chiếm 0,5 triệu lao động, đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Không những thế, ngành điện tử còn mang lại thương hiệu “Made in Việt Nam” ra thế giới. Tuy nhiên các DN Việt Nam hiện đang tham gia vào ngành điện tử với công đoạn có giá trị thấp nhất, sử dụng lao động có tay nghề thấp nhất nên giá trị gia tăng tạo ra cũng thấp nhất.
Theo Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, số lượng DN Việt Nam trong ngành điện tử khá nhiều, nhưng tiềm lực tài chính và công nghệ hạn chế nên rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, các DN FDI hiện chiếm gần 90% thị trường trong nước và hơn 95% kim ngạch xuất khẩu.
Trước sự đầu tư ồ ạt của các công ty điện tử hàng đầu khu vực và thế giới như Samsung, Panasonic, Sanyo, Canon... các DN Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các DN FDI về công nghệ, giá cả, trong bối cảnh hàng điện tử nhập khẩu nguyên chiếc tràn ngập thị trường như hiện nay.
Hiện phần lớn DN Việt Nam trong ngành đang gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng với hình thức nhập linh kiện và lắp ráp để cung ứng cho thị trường nội địa.
Tuy nhiên, các sản phẩm của DN Việt Nam chủ yếu được bán cho người dân vùng sâu, vùng xa, vì không cạnh tranh được với các sản phẩm của nhiều hãng nước ngoài.
Thậm chí nhiều sản phẩm điện tử nhập nguyên chiếc còn rẻ hơn cả hàng lắp ráp trong nước do thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử nguyên chiếc từ các nước ASEAN hiện chỉ 0% theo lộ trình AFTA.
Có thể thấy sau 30 năm phát triển đến nay, với thị trường quy mô trên 90 triệu dân, các DN điện tử nội vẫn chưa chế tạo được những linh kiện điện tử tiêu chuẩn, mà chỉ làm được bao bì, in ấn và một số sản phẩm đơn giản khác.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã để tuột thời cơ phát triển ngành công nghiệp điện tử cơ bản và hiện vẫn còn ở vạch xuất phát. Ngành điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ, tự động hóa đã và đang dần mất đi những tên tuổi của DN Việt.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội?
Các chuyên gia cho rằng với sự tham gia đầu tư ngày càng nhiều của các DN nước ngoài trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam, về lâu dài những nhà đầu tư này sẽ rất cần các nhà cung cấp trong nước để giảm giá thành sản phẩm và đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất.
Mặt khác, nếu trở thành nhà cung cấp các nhà máy sản xuất của các hãng điện tử quốc tế tại Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước còn có cơ hội mở rộng hệ thống cung cấp cho nhà máy của các hãng này trên toàn cầu nếu giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên việc đầu tư cho ngành này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và kỹ thuật cao, trong khi phần lớn DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ và vừa, ít vốn và thiếu kinh nghiệm.
Giải pháp mà các chuyên gia đưa ra là các DN trong nước nên hợp tác liên doanh với DN nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và tích lũy dần. Mặt khác, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cần thiết cho khối DN công nghiệp để hỗ trợ ngành điện tử.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia trong ngành, thay vì “sống chết” để phát triển công nghiệp điện tử, Việt Nam có thể chọn con đường ngắn hơn, phù hợp với khả năng vốn có, chẳng hạn liên kết phát triển phần mềm, thiết kế vi mạch...
Lĩnh vực này chủ yếu cạnh tranh chất xám, không cần đầu tư lớn, công nghệ tin học lại phát triển rất nhanh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực và quốc tế.
Nam Khánh
Tổng hợp