Doanh nghiệp giải khát nội đang "hao mòn"
15/06/2016
Chuyên mục: Vietnam Report In trang
Chỉ tính riêng nước giải khát không cồn, doanh số năm 2014 lên tới gần 4 tỉ USD. Với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường nước giải khát nội đang diễn ra quyết liệt nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại.
Không tận dụng hết lợi thế
Mặc dù, có lợi thế về nguồn nguyên liệu trái cây nhiệt đới không thua kém Thái Lan, nhưng công nghệ chế biến nước giải khát từ nguyên liệu hoa quả của Việt Nam lại có khoảng cách khá xa với nước này. Nhiều nhận định cho rằng, trái cây trong nước đến mùa thường rơi vào tình trạng không có người mua, bị bán đổ bán tháo, hoặc hái bỏ hoặc may mắn hơn là trông chờ vào các cuộc giải cứu. Song thực tế, bài toán dễ nhất và hiệu quả nhất là đầu tư vào công nghệ chế biến dường như không thấy ai làm đến nơi đến chốn. Chúng ta thích làm cái dễ, thích sử dụng hương liệu hơn là dùng công nghệ để bảo quản, “ép” những nguyên liệu thật đó thành sản phẩm tốt để tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa. Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào công nghệ chế biến đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tính đến bài toán lâu dài, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân… Việc này không đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực vốn cũng như quản trị bài bản, chuyên nghiệp. Đó là lý do khiến doanh nghiệp nội “ngại” đầu tư.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam chỉ trong vòng 15 năm, sản lượng nước giải khát tại thị trường Việt Nam tăng gấp 6 lần, từ 800 triệu lít vào năm 2000 lên 4,8 tỉ lít trong năm 2015 và đang được định vị là ngành “hot” nhất trong nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh. Điển hình như thương hiệu Tribeco, mặc dù đã có lịch sử 20 năm hoạt động và luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong hơn 11 năm liền trước đó. Thời điểm năm 2000, sản phẩm sữa đậu nành Tribeco được xem là “vô đối” trong dòng sản phẩm nước uống thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, sau khi lần lượt bán cổ phần cho các đối tác ngoại là Uni-President cùng lúc với việc xây dựng thêm 2 nhà máy để mở rộng sản xuất thì Công ty bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần.
Bị thâu tóm và "lâm" vào cuộc chiến khốc liệt
Không ít DN Việt đã bị thâu tóm, những thương hiệu đình đám một thời đã rơi vào tay DN nước ngoài. . Đến nay, vẫn không ít người đặt ra câu hỏi vì sao khi có cổ đông ngoại tham gia thì Tribeco lại bước vào con đường nợ nần để dẫn đến giải thể và thương hiệu lại rơi vào tay DN ngoại?