Động lực tăng trưởng kinh tế kiểu cũ đã tới hạn
Để thoát bẫy thu nhập trung bình, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đi theo mô hình tăng trưởng mới với trọng tâm là đổi mới sáng tạo.
Tái cơ cấu động lực tăng trưởng, đổi mới mô hình phát triển là đề tài chính cho hội thảo do Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng tổ chức sáng 20/3.
TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, để tìm ra được một mô hình tăng trưởng phù hợp, trước hết phải chỉ ra được những điểm bất hợp lý trong mô hình cũ. Theo ông, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng tốt nhất khu vực, hay nói cách khác là dẫn đầu về số lượng, tuy nhiên khi đi vào chiều sâu của chất lượng tăng trưởng thì lại thấy có nhiều vấn đề.
Đầu tiên là câu chuyện năng suất lao động. Phân tích các động lực tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2018 có thể thấy một thực tế là kinh tế vẫn đang tăng trưởng dựa nhiều vào thâm dụng vốn và lao động (chiếm khoảng 60%). Trong khi đó, đóng góp của năng suất tổng các nhân tố (TFP) lại có chiều hướng đi ngang và giảm trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân, theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, là do chi phí đầu tư cho khoa học công nghệ tính trên GDP của Việt Nam liên tục giảm.
Từ năm 2006 đến 2016, chi phí đầu tư cho khoa học công nghệ giảm từ 0,51% xuống 0,39% GDP. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ này của Việt Nam ở nhóm cuối bảng. Thái Lan, Singapore năm 2014-2015 chi cho khoa học công nghệ từ 1,3 đến 3,1% GDP. Nếu đặt Việt Nam với các nước khác ở điều kiện so sánh tương đương (cùng mức thu nhập bình quân đầu người), tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ chỉ bằng 20% mức trung bình thế giới và bằng một phần ba so với các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này cũng dẫn tới nhiều hệ quả khác. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mức độ sẵn sàng công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang ở ngưỡng tụt hậu.
Một khía cạnh khác khi đi sâu vào phân tích chất lượng tăng trưởng là tác động của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. FDI đóng góp 50% sản lượng công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu và 23,4% vốn đầu tư xã hội, nhưng theo TS Bùi Quang Tuấn, hiệu quả lan tỏa rất thấp.
Số lượng doanh nghiệp Việt chen chân được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn nước ngoài rất khiêm tốn, trong khi đó Việt Nam lại đang phải chịu nhiều hậu quả từ dòng vốn ngoại, như ô nhiễm môi trường, tác động đến hệ sinh thái. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ của châu Âu và Mỹ chỉ chiếm 6%, trong khi công nghệ từ Trung Quốc chiếm tới 30-40%. Đặc biệt là các công nghệ có tuổi đời từ năm 2000-2005 hiện đang chiếm hơn 65% số doanh nghiệp thuộc khối FDI. Bên cạnh đó, số liệu trong một thập kỷ gần đây cho thấy đóng góp của khối doanh nghiệp nước ngoài vào ngân sách luôn thấp hơn khối doanh nghiệp tư nhân.
"Có phải chăng chúng ta đang ưu đãi nhiều quá cho khối doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước, trong khi những gì nhận lại chưa tương xứng", TS Bùi Quang Tuấn đặt câu hỏi.
Với những vấn đề khi đi vào chiều sâu của tăng trưởng, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu lại các nguồn lực kinh tế.
"Mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 dựa chủ yếu vào yếu tố đầu vào đã không còn nhiều dự địa, lợi thế so sánh dựa vào thâm dụng lao động, sản xuất và xuất khẩu đang giảm dần đặt ra bài toán mới cho những cơ quan điều hành chính sách", ông Ngoạn nói và cho rằng Việt Nam sẽ bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình nếu chậm chuyển đổi sang mô hình mới.
Chung quan điểm này, TS Bùi Quang Tuấn đánh giá, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao khi nhiều yếu tố đã tới hạn, việc cấp bách là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng hơn, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng.
Hai cơ hội "vàng" được ông Tuấn nhắc tới là Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng. Hai điều kiện này là tiền đề để thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mô hình tăng trưởng mới, theo đề xuất của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, cũng đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo, thay vì thâm dụng vốn và lao động như mô hình truyền thống. Yếu tố then chốt của mô hình này là tích lũy năng lực công nghệ, vốn và đổi mới sáng tạo, thay vì hai yếu tố của mô hình cũ là vốn và lao động. Để làm được điều này, trọng tâm chính sách sẽ đặt vào việc xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nếu Việt Nam áp dụng kịch bản tăng trưởng theo mô hình ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, GDP đến năm 2030 sẽ tăng thêm 60,6 tỷ USD, theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đến năm 2045, GDP của Việt Nam ước tính tăng thêm 168,6 tỷ USD, với mức tăng trung bình 1,1% mỗi năm.
Tuy nhiên, có một vấn đề với mô hình tăng trưởng mới là chiến lược tiếp cận khoa học công nghệ phải thay đổi. "Chúng ta không thể áp dụng cách thức truyền thống khi mà chu kỳ của một công nghệ đang ngày càng rút ngắn. Ngày trước cần 20 năm để thay thế một công nghệ thì nay chu kỳ này giảm xuống còn 10, thậm chí là 5 năm. Nếu đi theo hướng tuần tự, chúng ta chưa thể thành thạo công nghệ này thì công nghệ thay thế đã xuất hiện", ông Ngoạn bình luận. Theo ông, xây dựng chính sách công nghệ cần theo hướng hiện đại, vừa tiệm cận, vừa nhảy vọt như cách mà Ấn Độ đã thực hiện.
Minh Sơn
Theo Vnexpress