Đột phá chiến lược phát triển kinh tế tư nhân
Đó là vấn đề được đề cập tại Hội thảo về “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021- 2030” do Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) phối hợp với chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức hôm qua (28/10).
Nhiều điểm mới
Đề cập đến 5 quan đểm phát triển, 6 mục tiêu và 3 đột phá chiến lược tại Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia cao cấp, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban KT-XH cho rằng Dự thảo có nhiều điểm mới phù hợp với bối cảnh phát triển mới.
Nói về 3 đột phá chiến lược (Thể chế; Khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; Phát triển hạ tầng), chuyên gia này cho rằng so với chiến lược trước Dự thảo vẫn giữ 3 đột phá, tuy nhiên trong nội hàm đã bổ sung nhiều nội dung mới.
Liên quan đến khu vực KTTN, theo TS Nguyễn Đình Cung, những định hướng phát triển KTTN và DN ngoài nhà nước có một số nội dung được cho là quan trọng, đổi mới. Đó là: Cải cách, đổi mới thể chế huy động và phân bố nguồn lực; Mở rộng và bảo đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ rào cản đối với đầu tư và kinh doanh; Khuyến khích, tạo thuận lợi áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN; Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, có chất lượng, khắc phục tình trạng “7 không” (Không rõ ràng, không cụ thể, không nhất quán, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả, không tiên liệu trước được); Xây dựng thể chế thực thi, nhất là hệ thống tòa án; tập trung vào đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp thương mại;…
Đặc biệt Dự thảo đã đưa ra định hướng phát triển DN nhà nước, tư nhân và FDI trong đó nhấn mạnh: Phát triển mạnh khu vực KTTN của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt 60 - 65%...
Doanh nghiệp tư nhân - Một trong những trụ cột nền kinh tế
Đồng tình với những điểm mới của dự thảo chiến lược, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra băn khoăn khi vai trò của KTTN luôn được nhắc đến trong các Nghị quyết, tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa rõ ràng. Và điều quan trọng nhất là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số 1 và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Còn với khu vực KTTN, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới.
Khẳng định DN, đặc biệt là DN tư nhân là một trong những cột trụ quan trọng của nền kinh tế, là nhân tố quan trọng góp phần hiện thực hóa các Chiến lược đề ra trong từng giai đoạn, TS. Nguyễn Thị Luyến, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với khu vực KTTN.
Chuyên gia này cũng cho rằng không nên đặt vấn đề ưu đãi mà cần tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho KTTN, đặc biệt DN tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển; Tập trung giải quyết các điểm nghẽn cản trở DN tư nhân đầu tư, sản xuất và phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện cho DN cạnh tranh và tăng trưởng, đặc biệt vấn đề về quyền sở hữu tài sản, quyền liên quan đến sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
“Để hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược, đặc biệt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, cần thúc đẩy khu vực DN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt khu vực DN tư nhân”- chuyên gia này đề nghị.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, có một số quan điểm phát triển kinh tế-xã hội, gồm: Phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn với hội nhập quốc tế để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia…
Một số quan điểm khác cũng được đưa ra bàn luận tại hội thảo như: Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu quả. Đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, huy động và sử dụng tốt nguồn lực chất xám, coi con người là trung tâm và cũng là mục tiêu phục vụ của cả giai đoạn phát triển 2021-2030..
Vấn đề quan trọng nữa được đặt ra là làm sao xây dựng được thể chế kinh tế phù hợp, hiện đại để tăng trưởng nhanh; tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến đồng thời phát triển nhanh hoạt động kinh tế số, khống chế nợ công và tập trung nâng cao năng suất lao động... Tất cả nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, rút ngắn thời gian hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa đất nước.
“Hội thảo sẽ thu nhận được những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các trường đại học, các chuyên gia và nhất là đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam về quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài Nhà nước - khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước - trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”, ông Vịnh chia sẻ.