'Dự kiến tăng trưởng GDP 2019 đạt 6,78%, dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá hạn chế
Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (8/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kinh tế có dấu hiệu tăng chậm lại, dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá hạn chế. Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhìn chung nền kinh tế vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.
Chính phủ nhận định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP quý I/2019 là 6,79%, so với mục tiêu tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019 của Chính phủ đã đề ra thì còn tương đối khiêm tốn, thấp hơn mục tiêu là 0,14 điểm phần trăm.
Với mức tăng trưởng quý I nêu trên, Chính phủ nhận định nếu các quý còn lại của năm nay đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.
Trước đó, tại báo cáo “Vượt qua trở ngại”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam sẽ chững lại ở mức 6,6%; nền kinh tế dễ bị tổn thương với các cú sốc và nguy cơ gặp áp lực trên thị trường tài chính.
Còn theo ông Alex Mourmouras, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Dự kiến tăng trưởng năm 2019 sẽ dừng lại ở con số khiêm tốn 6,5%. Trong trung hạn, tốc độ này phản ánh tác động xấu từ các yếu tố bên ngoài. Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 do sự tăng giá có lộ trình nhưng vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ là dưới 4%".
Những tháng đầu năm 2019, theo Chính phủ thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tính đến ngày 17/4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,29% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 4,73%), huy động vốn tăng 2,69% (cùng kỳ tăng 3,69%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,23% (cùng kỳ tăng 3,74%); mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển.
Tính đến ngày 25/4/2019, chỉ số VN-Index đạt 974,13 điểm, tăng 9,1% so cuối năm 2018; quy mô vốn hóa đạt khoảng 77,6% GDP, tăng 8,4% so cuối năm 2018.
Chính phủ cho rằng năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.
Chính phủ nhận định các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo báo cáo của Chính phủ, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Báo cáo của Chính phủ chỉ ra xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và tác động mạnh hơn. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế vẫn hiện hữu.
Cẩm Thư
Theo Vietnam Finance