Đưa hàng hóa của doanh nghiệp địa phương vào kênh phân phối lớn
Đây là kết quả được báo cáo tại “Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam năm 2016” diễn ra tại tỉnh Bình Dương chiều ngày 27/7.
Từ năm 2014 đến nay đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương với tổng trị giá trên 20.000 tỷ đồng; Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020 với Sở Công Thương 20 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ để thực hiện kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh thành.
Cụ thể, trong năm 2015, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM, Long An, Bình Dương tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với các nhà phân phối lớn như Sài Gòn Coop, Aeon, Lotte Mart, Big C, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)... Kết quả, Sài Gòn Coop đã ký với 7 cơ sở sản xuất; Big C ký với 7 đơn vị; Lotte Mart ký với 12 đơn vị... Dự kiến năm 2016 sẽ có 5 nhà phân phối ký trên 40 biên bản ghi nhớ với các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Thông qua kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa được ký kết, thực hiện nhằm ổn định thị trường, giúp DN kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối... Từ phía các DN, nhà sản xuất đã gặp gỡ, trao đổi, một số DN trong khu vực đã lựa chọn được các đối tác thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương; các mặt hàng đã được ký kết tiêu thụ gồm: trái cây các loại, các sản phẩm chế từ nông sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, nước khoáng, hành tím…
Để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu hàng, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành ở địa phương hỗ trợ các DN thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng giá trị lợi nhuận. Đặc biệt, việc thực hiện kết nối cung - cầu hàng hóa sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt.
Từ phía các nhà phân phối cũng lưu ý, các DN sản xuất hàng hóa tại địa phương phải chú trọng sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chú trọng thay đổi mẫu mã, chất lượng, giá cạnh tranh để có thể cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu cùng loại. Các nhà phối cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu, thị hiếu khách hàng để các nhà sản xuất có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Theo Bộ Công Thương