ECB tìm cách tăng cường cho vay trái phiếu để tránh đóng băng thị trường
Ngân hàng Trung ương châu Âu đang tìm cách để cho vay nhiều hơn đối với đống trái phiếu Chính Phủ khổng lồ (bond lending) trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ đóng băng trên thị trường vốn với 5.5 nghìn tỷ Euro vốn ngắn hạn, là nền tảng của hệ thống tài chính
ECB đã mua hơn một nghìn tỷ euro (1,06 tỷ đô la) trái phiếu chính phủ của khu vực đồng euro trong một nỗ lực để vực dậy tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại khu vực này.
Bằng cách làm như vậy, ECB đã xử lý được các khoản Repo quan trọng mà các tổ chức tài chính đã sử dụng để cho vay lẫn nhau dựa trên tài sản bảo đảm, thường là trái phiếu chính phủ được đánh giá cao như Đức.
Repo được sử dụng bởi các quỹ đầu tư tài chính và được ECB coi là phương thức quan trọng để dẫn truyền vốn lưu thông trong nền kinh tế. Hoạt động repo đóng băng có thể khiến các biện pháp kích thích kinh tế của ECB có nguy cơ bị xóa bỏ và thị trường trái phiếu dễ bị tổn thương bởi các hoạt động bán tháo. Để ngăn chặn điều này, ECB muốn hỗ trợ cho các ngân hàng vay các trái phiếu mà ECB đã mua một cách dễ dàng hơn để họ có thể sử dụng như các tài sản thế chấp cho các khoản vay repo.
Các thay đổi mà ECB đưa ra có thể bao gồm việc giảm chi phí cho các tổ chức đã không thanh toán và trả lại trái phiếu đã vay vào đúng ngày đáo hạn ban đầu, chấp nhận thêm các loại tài sản thế chấp mới của các tổ chức và cho kéo dài thời gian cho vay hơn.
Vấn đề này sẽ được thảo luận cụ thể tại cuộc họp ngày 8 tháng 12 của ECB để quyết định việc có nên tiếp tục mua mua các khoản trái phiếu sau tháng 3 hay không và đảm bảo họ vẫn có thể tìm thấy đủ trái phiếu để mua. Bất kỳ quyết định cho vay trái phiếu nào sẽ phụ thuộc vào mức độ thay đổi trong các chương trình mua tài sản của ECB và khiến cho chương trình không được hoàn thành vào tháng Mười Hai tới.
Đức, quốc gia lớn duy nhất trong khu vực đồng euro có mức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu, đang là nơi mà các vấn đề về vốn xảy ra nghiêm trọng nhất. ECB hiện sở hữu hơn một phần tư trái phiếu của Đức phát hành, các quỹ đang phải trả lãi suất tới 1,5% để vay trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm, tăng so với mức 0,4% vào năm trước, theo số liệu của ICAP.
Điều này càng gây sức ép lên các nhà đầu tư khi họ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng của việc duy trì tiền mặt và tài sản thanh khoản cao nhằm đáp ứng với các quy định mới trong hoạt động ngân hàng tại khu vực.
"Nếu một quỹ hưu trí không thể vay được trái phiếu trong một khoảng thời gian (sau đó đem đi repo – tác giả), nó có thể sẽ phải bán trái phiếu của mình để bù đắp cho các nghĩa vụ chi trả ngắn hạn", Godfried DeVidts - Hiệp hội thị trường vốn quốc tế nói. "Vì vậy, về cơ bản các quỹ lương hưu đang ngày càng nghèo hơn và những người hưu trí cũng vậy".
Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào sau đó sẽ phải được thực hiện bởi ngân hàng trung ương các quốc gia, nơi sở hữu phần lớn các khoản nợ đã được ECB mua và tự chịu rủi ro đối với các chương trình cho vay trái phiếu của mình.
Cả hai ngân hàng Bundesbank và ECB cho đến lúc này đều đã thực hiện một số giải pháp theo hướng giúp cho các trái phiếu của họ dễ dàng cho vay hơn. Vào cuối tháng chín Bundesbank đã trực tiếp cho vay các trái phiếu chính phủ Đức cho các dealer, chứ không chỉ thực hiện thông qua các đại lý của ngân hàng. Nhưng vào thời điểm đó, các khoản vay này chỉ được gia hạn thời gian để hoán đổi với các trái phiếu khác của chính phủ Đức tối đa một tuần và phải chịu một số hạn chế nhất định.
Tuần trước, ECB cho biết sẽ đưa ra cơ chế cho vay linh hoạt hơn trong việc quyết định các khoản vay của họ, trong một nỗ lực nhằm hạn chế số lượng các vi phạm hoàn trả trái phiếu khi đến hạn.
Thùy Dương
Theo Reuters