EVFTA - Cơ hội vàng thúc đẩy hợp tác
Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến rất khó lường.
Hiệp định EVFTA là “cơ hội vàng” giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh nhận định EVFTA có sẽ tạo cơ hội rộng mở cho Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường 450 triệu dân, đồng thời khai thông dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ EU, cũng như cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng mang lại nhiều giá trị gia tăng. Theo ông Thanh, dự kiến EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2-3% trong 5 năm đầu triển khai hiệp định, từ 4,5-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7-7,7% cho giai đoạn 5 năm sau đó.
Mặt khác, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường tiềm năng này. Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công đánh giá nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng lợi về thuế nhờ EVFTA. Đáng chú ý, gần như toàn bộ các sản phẩm thủy sản, rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong, gạo tấm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng song mây cói thảm... sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, gần 100% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Với EVFTA, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến đầu tư mới cho các doanh nghiệp sản xuất, nói cách khác, EVFTA sẽ khiến EU trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành được kỳ vọng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là may mặc và giày dép, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với EVFTA, EU sẽ bãi bỏ thuế đối với 77,3% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% còn lại sau 7 năm.
Đối với các doanh nghiệp, EVFTA là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU. Trong khu vực châu Á, hiện chỉ có Việt Nam, Nhật Bản và Singapore là có FTA với EU, trong khi đó EU cũng đã rút các ưu đãi đơn phương như Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), chế độ ưu đãi thuế quan EBA của rất nhiều nước có cạnh tranh xuất khẩu vào EU. Do vậy, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU là đặc biệt lớn.
Đúng vào thời điểm EVFTA có hiệu lực, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nhằm thu hút đầu tư thời COVID-19, EVFTA càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. PGS.TS Chu Hoàng Long, tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhấn mạnh EVFTA đưa Việt Nam vào một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành, xuất phát từ những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch. Ông Trần Ngọc Quân, Trưởng đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đánh giá Việt Nam có thể biến thách thức của đại dịch thành cơ hội nếu làm tốt được khâu xúc tiến thương mại trực tuyến, giao dịch điện tử vì khi kinh tế suy giảm, theo lý thuyết các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn hàng có giá cạnh tranh, và hàng hóa Việt Nam sẽ là một lựa chọn thích hợp.
Vĩnh Hà
Nguồn: Hải quan