Tin tức

Trang chủ » » FDI nhỏ vào Việt Nam làm 'vệ tinh' gây mối lo lấn át doanh nghiệp nội

FDI nhỏ vào Việt Nam làm 'vệ tinh' gây mối lo lấn át doanh nghiệp nội

28/03/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Một số chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh cho các dự án FDI lớn hơn. Họ có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa trong quá trình hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn chưa tận dụng tốt FDI

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018 do VCCI công bố ngày 28.3 cho biết vào năm 2018, Việt Nam kỷ niệm 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song đang phải đối mặt với nghịch lý giữa mục tiêu thu hút FDI và phát triển kinh tế.

Lượng vốn FDI trong năm 2017 và 2018 đã phá vỡ nhiều kỷ lục trong 30 năm qua. Số vốn FDI giải ngân tăng từ 15,8 tỉ USD trong năm 2016 lên 17,5 tỉ USD năm 2017 và đạt 19,1 tỉ USD trong năm 2018. Vốn FDI đăng ký cấp mới năm 2018 lên tới 35,46 tỉ USD, xấp xỉ 99% so với mức năm 2017. Đầu tư nước ngoài đã có sự cải thiện về chất lượng.

Theo VCCI, mặc dù vốn cấp phép trong năm 2018 có chậm lại nhưng số vốn được giải ngân đã tăng 9,1% so với năm 2017, cho thấy dấu hiệu thực chất hơn của các dự án đầu tư. Vốn đầu tư FDI trong năm 2018 cũng dịch chuyển dần khỏi lĩnh vực có nguy cơ gây tác động xấu tới môi trường như nhiệt điện, sản xuất thép và tăng lên ở các lĩnh vực phân ngành công nghệ cao.

Tuy nhiên, VCCI nhận định Việt Nam được cho là vẫn chưa tận dụng hiệu quả những lợi thế của nguồn vốn FDI. Mức độ lan tỏa về công nghệ và trình độ quản lý từ các nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng và các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tham gia được sâu vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong năm 2018 có dấu hiệu chững lại so với năm 2017. Tỷ lệ các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư là 11,8%, giảm từ 13,2% của năm 2017. Có 58,2% số doanh nghiệp cho biết tăng quy mô lao động, thấp hơn con số 62,4% trong năm 2017. Khoảng 56% doanh nghiệp nước ngoài được hỏi cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đây vẫn là mức khá lạc quan, dù có giảm nhẹ so với mức 60% của năm ngoái.

Trên một nửa số doanh nghiệp FDI (53,1%) báo lãi trong năm 2018, trong khi đó số doanh nghiệp báo lỗ là 36,7%, gần bằng với mức của năm 2017. Doanh thu và chi phí trung vị đều tăng trong năm 2018, lần lượt ở mức 2,57 triệu USD và 2,20 triệu USD. Những con số này cho thấy sự tăng đột biến trong hoạt động của năm 2017 không phải chỉ là một hiện tượng nhất thời mà là một xu hướng mới.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những doanh nghiệp FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.

Doanh nghiệp FDI tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cũng theo báo cáo của VCCI, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có những động thái để tận dụng cơ hội từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, các doanh nghiệp FDI sẵn sàng đầu tư đáng kể vào việc nâng cao chất lượng lao động của họ nhằm khai thác những cơ hội của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018.

“Đây là cơ hội tuyệt vời giúp Việt Nam tạo ra nguồn việc làm có mức lương cao cho lao động trong nước có tay nghề, đồng thời giúp các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chuyển dịch lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu”, VCCI nhận định.

Việc hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế được nhiểu nhà bình luận cho rằng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ và là cú hích để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu.

Lý do chính cho sự lạc quan này là bởi nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, áp dụng chiến lược "Trung Quốc + 1”. Nghĩa là họ đặt hầu hết các nhà máy trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ tại Trung Quốc và duy trì một cơ sở tại Việt Nam như một phương án dự phòng rủi ro tại Trung Quốc và đặt cược vào sự tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Theo báo cáo, hầu hết các nhà máy này tại Việt Nam chỉ tham gia vào các công đoạn ít chuyên sâu nhất của chuỗi cung ứng, như khâu lắp ráp cuối cùng (tức là chỉ dựa vào các hàng hóa, linh kiện được sản xuất ở nơi khác) hoặc cung cấp các hàng hóa đầu vào ít hàm lượng công nghệ nhất. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại Mỹ -Trung có thể khởi động nỗ lực nâng cấp chất lượng sản xuất của khối doanh nghiệp FDI.

VCCI cho rằng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu chuyển sản xuất sang cơ sở của họ tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng bắt đầu mở nhà máy và đưa các công đoạn sản xuất giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng của mình vào Việt Nam.

Mục tiêu của chiến lược này là nhằm chuyển các mặt hàng mà họ xuất khẩu vào thị trường Mỹ sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế.

Dù vậy, VCCI nhấn mạnh, điều mà hầu hết các nhà bình luận dễ bỏ quên là việc chuyển dịch sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn đến Việt Nam không phải là hoạt động có thể thực hiện ngay lập tức. Để thực sự sản xuất được các sản phẩm này, cần có các thay đổi về nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị mới, cũng như tuyển dụng lao động có chất lượng cao hơn.

“Song, việc tuyển dụng được lao động chất lượng cao cần thiết cho việc nâng cấp trình độ phát triển của một ngành vẫn là một trong những quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp FDI”, báo cáo nêu.

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho biết tuyển dụng lao động phổ thông thì dễ, song tìm lao động có kỹ năng, các cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát giỏi lại vô cùng thách thức. Do vậy, nếu như việc các doanh nghiệp FDI muốn khởi động việc này là có thật, thì có lẽ họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao để có thể hiện thực hóa việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.

Lam Thanh

Tổng hợp

  




Văn bản gốc