FED sẽ tăng lãi suất trước Giáng sinh?
Vào cuộc họp giữa tháng 12.2015, FED đã nâng lãi suất đồng USD lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ thêm 0,25%; còn trong năm nay, khi triển vọng kinh tế Mỹ đã trở nên khả quan hơn, thì nó có thể lên tới 0,5%.
Sự kiện giữ vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế thế giới trong những tuần cuối cùng của năm 2016 không gì khác hơn là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra trong 2 ngày 13, 14 tháng 12 tới đây. Trọng tâm của nó là bàn về khả năng nâng lãi suất đồng USD mà cơ quan này đã nhiều lần dự định thực hiện trước đó. Ở thời điểm hiện tại, khả năng này là rất lớn khi hầu hết mọi điều kiện cần thiết nhất để nâng lãi suất đã hội tụ đủ: nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ, một thị trường chứng khoán đạt đỉnh và mục tiêu lạm phát gần như chắc chắn sẽ đạt được.
Và dù điều này có thể ảnh hưởng xấu đến một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải chống chọi với sức ép tỷ giá mà điển hình là Trung Quốc, thì khả năng FED hoãn tăng lãi suất thêm một lần nữa là điều khó có thể xảy ra. Cũng vào cuộc họp giữa tháng 12 này trong năm 2015, FED đã lần đầu tiên nâng lãi suất đồng USD trong vòng 1 thập kỷ thêm 0,25%; còn lần này khi triển vọng kinh tế Mỹ đã trở nên khả quan hơn, thì nó có thể lên tới 0,5%.
Nếu nhìn vào những con số thống kê, ngay cả những người muốn FED hoãn nâng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12 này nhất có lẽ cũng phải thừa nhận rằng nó thật khó xảy ra. Gần như mọi yếu tố quan trọng nhất để FED quyết định có nâng lãi suất đồng USD hay không đều hội tụ đủ. Trước hết là việc nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh hơn dự báo, khi đạt mức tăng trưởng lên tới 2,9% trong quý 3 năm nay, vượt khá xa con số dự báo 2,6% trước đó.
Tốc độ tăng trưởng quý 4 được dự báo sẽ còn cao hơn nữa do hiệu ứng tích cực từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Các chỉ số vĩ mô quan trọng khác của kinh tế Mỹ cũng rất thuận lợi: tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh từ 4,9% (mức thấp nhất kể từ năm 2007) trong tháng 9 xuống còn 4,6% trong tháng 11, vượt ra khỏi dự đoán của giới phân tích, và được dự báo sẽ còn khả quan hơn nữa khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump cam kết sẽ đem thêm nhiều việc làm về nước.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tương tự, đã rất khởi sắc sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống. Thậm chí 3 chỉ số chứng khoán cơ bản đều đồng loạt đạt mức cao kỷ lục trong cùng một ngày, và là lần đầu tiên diễn ra trong vòng hơn 20 năm qua. Bản thân đồng USD cũng tăng giá kỷ lục, đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới như euro hay nhân dân tệ. Với những diễn biến tích cực này, mức lạm phát mà FED kỳ vọng là 2% gần như chắc chắn sẽ đạt được.
Nói cách khác, gần như mọi điều kiện cần thiết để nâng lãi suất đã đủ, và thậm chí nếu lạm phát tăng nhanh hơn so với dự đoán thì FED có thể cũng sẽ tiến hành nâng lãi suất sớm hơn và với mức cao hơn. Vào cuộc họp giữa tháng 12.2015, FED đã nâng lãi suất thêm 0,25% dù điều kiện kinh tế Mỹ khi đó không tốt như hiện nay, vì thế không ít chuyên gia dự đoán rằng trong cuộc họp lần này mức tăng sẽ là 0,5%. Điều này càng trở nên khả thi hơn khi chính sách kinh tế của ông Donald Trump sắp tới được xem là sẽ nghiêng về phía giảm thuế và tăng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng vốn sẽ dễ dẫn đến tăng lạm phát, vì thế FED sẽ phải có động thái phòng bị trước.
Việc FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất, và đặc biệt là với biên độ lớn (0,5%) trước Giáng sinh có thể sẽ không phải là một tin tức tốt đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Trung Quốc. Tăng lãi suất đồng USD cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư sẽ bị hút ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, và điều này có thể khiến tăng trưởng sụt giảm. Về lý thuyết nó sẽ bù lại bằng việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ các nước trên thế giới vào thị trường Mỹ tăng tính cạnh tranh, nhưng khi ông Trump đang lăm le thực hiện một chính sách hạn chế thương mại và tăng mức đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu thì mặt tích cực này có thể sẽ giảm đi đáng kể.
Nền kinh tế lớn được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất từ sự kiện này không ai khác ngoài Trung Quốc. Việc tăng lãi suất đồng USD không chỉ khiến dòng vốn đầu tư cũng như vốn ngầm chảy ra khỏi nước này nhanh hơn và lớn hơn bao giờ hết, mà còn khiến nợ của Trung Quốc tăng vọt. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc còn đang phải đối đầu với sức ép tỷ giá. Ở thời điểm hiện tại tỷ giá nhân dân tệ/USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm rưỡi qua, buộc chính phủ và Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phải vất vả giải quyết. Ngoài việc ban hành các quy định siết chặt việc chuyển tiền và các giao dịch giá trị lớn ra nước ngoài, mà ngay cả dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng đang giảm chóng mặt để ổn định tỷ giá, hiện chỉ còn ở mức 3.050 tỉ USD – mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Vì thế, nếu FED nâng lãi suất, kể cả là 0,25% hay 0,5%, thì cũng sẽ khiến tình hình của Trung Quốc nguy ngập hơn nhiều so với hiện nay. Điều đáng nói nhất ở đây là, chính việc Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định trong 3 quý đầu năm (đều đạt 6,7%) lại là lý do thúc đẩy FED nâng lãi suất đồng USD ở thời điểm hiện tại. Vào hồi giữa năm nay, FED đã từng một lần trì hoãn nâng lãi suất do lo ngại về kinh tế Trung Quốc khi đó được dự báo sẽ tăng trưởng yếu. Nhưng giờ đây khi lo ngại này đã không còn thì chẳng có lý do gì để Chủ tịch FED là Janet Yellen trì hoãn một lần nữa cả.
Nhàn Đàm
Tổng hợp