G7: Các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác thúc đẩy kinh tế và an ninh hàng hải
Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển G7 ngày 26-5 bắt đầu chương trình hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản với trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Tuyên bố nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Vì vậy, tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp”. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh, trong khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá một cách bừa bãi.
Trong phần trình bày tại hội nghị, Thủ tướng chủ nhà Nhật Bản S.A-bê (Shinzo Abe) đưa ra số liệu cho thấy giá các mặt hàng toàn cầu giảm 55% trong giai đoạn tháng 6-2014 đến tháng 1-2016, bằng với đợt suy giảm từ tháng 7-2008 đến tháng 2-2009 sau khi ngân hàng Lehman sụp đổ và khơi dậy cuộc khủng hoảng toàn cầu. Với quan điểm thương mại và đầu tư là động lực thúc đẩy tăng trưởng, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định, việc ký kết TPP là bước đi quan trọng để thực thi các quy định thương mại chung trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các thách thức toàn cầu khác trong đó có chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế.
Ngoài ra, các lãnh đạo dự kiến khẳng định các cam kết giữ cho thị trường ngoại tệ ổn định. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ cũng kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. “Nếu chúng ta không nắm vị trí dẫn đầu để xử lý cuộc khủng hoảng này, sẽ không có ai đứng ra nhận”, ông Tu-xcơ nói.
Trong ngày hội nghị thứ hai, các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia gồm: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Băng-la Đét, Pa-pua Niu Ghi-nê, Lào, Xri Lan-ca, Sát, cùng lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Vấn đề an ninh hàng hải là chủ đề thảo luận quan trọng tại Hội nghị G7 mở rộng với chủ đề ổn định và thịnh vượng châu Á. Hội nghị G7 mở rộng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi “quy định của pháp luật”, ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Thương vụ Việt Nam tại Ý cho biết, ngày 25/5, Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố Hôi nghị thượng đỉnh G7 năm 2017 sẽ được tổ chức tại Sicily.
Phạm Hằng
Tổng hợp