Tin tức

Trang chủ » » Hết năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam phải bằng các nước nhóm ASEAN 4

Hết năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam phải bằng các nước nhóm ASEAN 4

08/02/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Nghị quyết mới được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành nêu rõ môi trường kinh doanh của Việt Nam phải bằng các nước nhóm ASEAN 4 hết năm nay.

Nghị định số19-2017/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành chỉ ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, thì Việt Nam lại giảm 4 bậc, thấp hơn hầu hết các nước nhóm ASEAN, chỉ đứng trên Lào và Camphuchia.

Nghị định của Chính phủ nhấn mạnh, hết 2017 môi trường kinh doanh phải đạt bằng các nước ASEAN 4 bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines ở các chỉ tiêu. Cụ thể: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước.

Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay phải thuộc nhóm 40 nước đứng đầu đến năm 2020. Những chỉ tiêu này đều lấy theo thước đo của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới làm căn cứ xác định.

Nghị định còn nêu rõ, phải rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục như nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế  119 giờ và bảo hiểm xã hội là 49 giờ). Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 120 ngày, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, kỹ thuật, cấp phép xây dựng giảm xuống còn 63 ngày. Thông quan hàng hóa qua biên giới với hàng hóa xuất khẩu là 70 giờ và nhập khẩu là 90 giờ; giải quyết tranh chấp hợp đồng không quá 300 ngày…

Bên cạnh đó, phải tạo lập được hệ thống khởi sự kinh doanh, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu tới năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp tối thiểu 0,5%.

Về thực hiện Chính phủ điện tử, Nghị quyết nêu rõ, cải cách toàn diện ở 3 nhóm chỉ số, phấn đấu hết năm 2017 xếp hạng thứ 80. Năm 2020, đạt trung bình ASEAN về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.

Hết năm 2017, các dịch vụ công liên quan tới người dân, doanh  cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả gửi qua mạng.

Nghị định cũng nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch trước ngày 28/2/2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để theo dõi thực hiện. Trước ngày 15 của tháng cuối các quý và ngày 15/12 của năm, các Bộ ngành và địa phương phải báo cáo việc triển khai Nghị quyết 19 về Văn phòng Chính phủ để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, có chế độ báo cáo thường kỳ đối với Chính phủ. Các bộ như Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng giám sát việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của các bộ, ngành và địa phương.

Lương Lan

Tổng hợp

  




Văn bản gốc