Tin tức

Trang chủ » » Jack Ma đã tiếp cận làng nghề Việt như thế nào?

Jack Ma đã tiếp cận làng nghề Việt như thế nào?

15/04/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Xem cách vận hành của Alibaba với các chủ doanh nghiệp muốn mở gian hàng là sẽ có câu trả lời. Những ngày hè nắng nóng không cản được lòng nhiệt tình của hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu từ Hà Tây, Ninh Bình, Bắc Ninh đến khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội dự hội thảo về thương mại điện tử do một doanh nghiệp nước ngoài tổ chức.

Cuối buổi, hàng chục doanh nghiệp đã ký được hợp đồng tìm được bạn hàng mới, ai cũng vui vẻ hân hoan. Ngoài ra, hàng chục hợp đồng mua gian hàng điện tử khác đã được ký kết. Nhân viên hỗ trợ liên tục làm việc với khách, không một ai trắng tay ra về.

Anh Hoàng Sơn, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đá ở Ninh Bình, cho hay đã từ lâu họ đã rất quan tâm đến thương mại điện tử, tìm kiếm thêm kênh xuất khẩu hàng hóa từ những nguồn uy tín nhưng họ không làm được.

Chủ một doanh nghiệp chia sẻ: “Vấn đề không phải là tiền mà ở quá thiếu nhân lực. Tìm được người thực sự hiểu về thương mại điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng làm ngay. Đã đến thời phải có bạn hàng từ nhiều nguồn khác nhau chứ không thể nào chỉ phụ thuộc mãi vào một vài kênh truyền thống.”

Làng nghề gỗ Đồng Kỵ - Bắc Ninh (ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh)

Làng nghề Đồng Kỵ tỉnh Bắc Ninh những ngày đầu năm 2016. Giá rét không thể ngăn cản được đội ngũ tư vấn của một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của nước ngoài đến gặp từng chủ doanh nghiệp để tư vấn mời họ mở gian hàng. Có nhiều nhân viên tư vấn tự đi xe máy hàng chục cây số lên để gặp doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn 3 gói bao gồm trọn gói dịch vụ tư vấn mở gian hàng, tư vấn thiết kế gian hàng, tìm kiếm bạn hàng, lựa chọn bạn hàng uy tín và các thủ tục cần thiết để đi đến ký kết hợp đồng.

Một khi doanh nghiệp mua gói dịch vụ họ sẽ được nhân viên đến tận nơi hỗ trợ về gian hàng, chụp ảnh và trưng bày sản phẩm. Khi duy trì gian hàng càng lâu, uy tín của họ trên hệ thống giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn, vì thế sẽ càng dễ tìm bạn hàng hơn.

Chắc hẳn không ít người đặt câu hỏi tại sao ngay tại những làng nghề của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam mà hoạt động kết nối doanh nghiệp B2B lại được triển khai tích cực, chuyên nghiệp và bài bản như vậy bởi một doanh nghiệp nước ngoài? Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam ở đâu làm gì mà lại để thị trường lèo lái bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Và doanh nghiệp nào đang len lỏi đến từng ngóc ngách của các làng quê Việt Nam, tiếp cận từng chủ doanh nghiệp nông thôn phần đông còn hiểu biết hạn hẹp về lĩnh vực này?

Đó chính là “người khổng lồ” vừa rót 1 tỷ USD để mua lại Lazada – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Alibaba.

Đã qua rồi cái thời “thích xài chùa”

Cho đến nay, Việt Nam không thiếu những sàn giao dịch B2B đã được triển khai với rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ thép cho đến gỗ. Và phần đông đã thất bại. Có những sàn cực lớn, từng có số thành viên lên đến 17 nghìn, hoạt động trong 23 lĩnh vực và gần 9000 chủng loại sản phẩm mà cũng phải đóng cửa.

Có rất nhiều nguyên nhân cho sự thất bại của rất nhiều sàn giao dịch B2B tại Việt Nam, thế nhưng theo các chuyên gia về thương mại điện tử, nguồn thu thấp chủ yếu do không thể thu phí thành viên dẫn đến việc các sàn thua lỗ và phải ngừng hoạt động.

Gian hàng sản phẩm lụa Việt Nam trên Alibaba.com

Hiện nay, hai sàn ngoại phổ biến nhất với doanh nghiệp tại Việt Nam là alibaba.com và globalsources.com. Với ưu thế quy mô hoạt động trên toàn thế giới, tại rất nhiều các địa điểm, quốc gia khác nhau nên các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có nhiều cơ hội để tìm kiếm bạn hàng hơn. Ngoài ra, các sàn này cũng cung cấp được công cụ thiết kế gian hàng và tương tác với khách hàng rất hiệu quả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết của họ đối với thương mại điện tử còn khá hạn chế. Nhìn chung họ chỉ biết đến cái tên của sàn giao dịch đó chứ không thực sự hiểu về lợi ích của nó.

Đó là chưa kể đến việc tâm lý thích miễn phí đã cản trở doanh nghiệp khá nhiều trong việc tiếp cận thông tin. Thế nên mới có không ít doanh nghiệp mỗi năm xuất hàng triệu sản phẩm mây tre đan đi Nhật, châu Âu nhưng lại rất bảo thủ, chỉ muốn xài tài khoản mở gian hàng và tìm kiếm thông tin bạn hàng/đối tác miễn phí cho đến khi nào họ phải tìm được bạn hàng thì mới chịu ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, với các sản phẩm miễn phí, doanh nghiệp sẽ không thể có kết quả tìm kiếm cũng như thông tin đối tác chất lượng nhất.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải hiểu rằng để duy trì được một sàn giao dịch thương mại điện tử cần tiêu tốn rất nhiều công sức và chi phí. Nếu không có nguồn tài chính đủ mạnh, sàn không thể tồn tại được.

Ví dụ như ở Alibaba, sau khi ký hợp đồng với khách, tập đoàn sẽ cử người đi tìm hiểu và xác nhận về sự tồn tại và hoạt động kinh doanh nghiệp túc của doanh nghiệp. Sau đó tư vấn chụp ảnh sản phẩm, thiết kế gian hàng và hỗ trợ sau khi ký hợp đồng. Công ty phải duy trì một đội ngũ thẩm định, đội ngũ sales rất lớn, kèm theo đó là đội ngũ hỗ trợ khách hàng đông đảo. Đó là còn chưa kể đến hàng chục loại chi phí khác mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

Chính những tâm lý kiểu thích miễn phí như trên khiến các sàn giao dịch thương mại điện tử gặp vô vàn nhiều khó khăn nếu muốn hoạt động tại Việt Nam. Ai đi kinh doanh cũng biết, tiền nào của ấy, sản phẩm rẻ khó có thể có chất lượng tốt.

Trong bối cảnh đã vào WTO và chuẩn bị hội nhập TPP, nếu các doanh nghiệp không biết tự chủ động tìm kiếm kênh khách hàng mới mà chỉ phụ thuộc vào các kênh truyền thống, sự đào thải là không thể tránh khỏi.

Theo Trí Thức Trẻ

  




Văn bản gốc