Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Khi "con sếu lớn" Trường Hải bay về Quảng Nam

Khi "con sếu lớn" Trường Hải bay về Quảng Nam

23/08/2017

14 năm kết duyên cùng Thaco Trường Hải, Quảng Nam mang về một danh xưng trung tâm của công nghiệp ô tô cả nước, số tiền thu ngân sách nội địa dồi dào và một tiềm năng rất lớn để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hôm ngày 26/3, trong buổi Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam, Thủ tướng đã nhắc đến quan điểm về “đàn sếu phát triển” khi nói về công cuộc đưa tỉnh miền Trung đầy tiềm năng này phát triển trong thời gian tới.

Mong muốn của Thủ tướng đặt ra là phải làm sao để có ngày càng nhiều hơn những “con sếu lớn” xuất hiện và bay trên bầu trời Quảng Nam. Cụ thể hơn, Thủ tướng nhấn mạnh đến mảng du lịch: "Quảng Nam nên kêu gọi đầu tư du lịch kiểu Dubai như đua ô tô công thức…”

Thực ra, nếu nói về câu chuyện ô tô ngay trên đất Quảng Nam thì tỉnh này trước đó đã được đón một “con sếu” lớn, đến, đầu tư và đang biến tỉnh này thành trung tâm bậc nhất của công nghiệp ô tô cả nước.

“Con sếu” ấy không ai khác ngoài Thaco Trường Hải, doanh nghiệp được xem là ông vua ngành ô tô nội địa. Chiều ngày 26/3, lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô Thaco Mazda, nơi cũng có sự hiện diện của Thủ tướng, chính là dấu mốc ghi nhớ lại 14 năm Trường Hải kết duyên với đất Quảng Nam.

Quay ngược lại thời gian thì mọi yếu tố của một trung tâm công nghiệp ô tô Quảng Nam lúc này đều được bắt nguồn từ tham vọng làm ô tô của ông Trần Bá Dương tại một khu vực gồm vài vùng của huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ, áp lưng vào biển Đông rộng lớn và được mang cái tên “Khu kinh tế mở Chu Lai”.

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay ông Trần Bá Dương - chủ tịch tập đoàn Thaco, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam ngày 26/3/2017.

14 năm kết duyên với " con sếu" Trường Hải của ông Trần Bá Dương

2003 là một năm đặc biệt với Quảng Nam, và với Thaco Trường Hải.

Còn nhớ, vào một ngày tháng 6 năm này, Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập theo quyết định số 108/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lúc đó là Phan Văn Khải. Nằm tại một tỉnh có vị trí chiến lược, người ta vẫn thường gọi Chu Lai như, hoặc sẽ, là một đòn bẩy quan trọng của cả vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ.

Cũng năm này, Trường Hải quyết định đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng của mình tại Chu Lai. Đó, nói không ngoa, chính là tiền đề để một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khổng lồ sau này của Thaco được vững vàng trên cát trắng Quảng Nam.

“Có lần, tôi bị người trong nhà nói rằng mình dại. Với số tiền tôi có, đưa vào mua vài ba miếng đất rồi thong thả đi chơi, hưởng nhàn, bỏ ra xây dựng nhà máy tại Chu Lai, quản lý 7.000 con người làm gì cho mất công, mất sức mà nguồn thu về chẳng bằng giá đất lên”.

Vị chủ tịch của Thaco Trường Hải là ông Trần Bá Dương đã từng nói như vậy về quyết định xây nhà máy tại Quảng Nam. Và mặc kệ những “cản trở về quan điểm” (lời của ông Dương) đó, Trường Hải vẫn kiên định mà thực hiện công việc của mình tại mảnh đất này trong nhiều năm.

Năm 2016 vừa qua, tại Chu Lai, Trường Hải đã sản xuất và lắp ráp thành công 106.000 xe, tăng 44% so với năm 2015. Về sản xuất linh kiện phụ tùng, tổng giá trị sản xuất cũng đạt tới 6.000 tỷ đồng. 14 năm qua, Chu Lai cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của những chiếc xe khách có giường nằm - thứ đã làm thay đổi hẳn những chuyến về quê, đi xa trên xe khách của người Việt.

Trong năm 2017 này, mục tiêu còn được đặt xa hơn với việc sản xuất, lắp ráp 117.000 xe, tăng 11% so với năm ngoái, bao gồm 54.000 xe tải, xe bus; 63.000 xe du lịch. Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Thaco Mazda trị giá 12.000 tỷ khởi công xây dựng ngày chiều hôm qua chính là ví dụ cho những nỗ lực mà Trường Hải sẽ làm đất Quảng Nam trong năm 2017 này.

Tuy nhiên, đối với ông Trần Bá Dương, tầm nhìn với Quảng Nam thì còn xa hơn thế. Trong con mắt của ông, dù là mảnh đất miền Trung đầy thiên tai, nơi con người vẫn quen làm nông nghiệp hơn công nghiệp thì Chu Lai vẫn có nhiều ưu điểm về chiến lược sản xuất ô tô.

Vì thế, đối với vị Chủ tịch thương hiệu sản xuất ô tô này thì “trong ước mơ của tôi, mô hình Chu Lai khi thành công sẽ là nơi tập trung sản xuất tất cả máy móc, phát triển các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực ô tô, cơ khí...”

Nay: Quảng Nam - Trung tâm của ngành công nghiệp ô tô cả nước

Trái ngọt đến với tỉnh miền Trung này không lâu sau khi Thaco Trường Hải trở thành một nhà đầu tư lớn.

Cụ thể, Quảng Nam giờ đây được biết đến như là một điểm đến cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Ở nhóm ngành này, ngành sản xuất chi tiết, linh kiện phục vụ sản xuất ô tô được gây dựng bởi Trường Hải tại Chu Lai được xem như một lá cờ đầu.

Từ đây, một trung tâm công nghiệp ô tô của cả nước đang dần định hình rõ nét tại Quảng Nam, với sự dẫn đầu từ “con sếu đầu đàn” Thaco Trường Hải. Từ công nghiệp lắp ráp ô tô, các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế tạo máy cũng đang được Thaco và tỉnh Quảng Nam mở rộng, phát triển để ngày càng thay da đổi thịt khu kinh tế mở Chu Lai.

Thống kê cho thấy hiện tại Chu Lai có cả thảy 23 công ty, nhà máy, bao gồm 4 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, 1 công ty xe chuyên dụng SMT của Hàn Quốc, 8 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, trong đó có nhà máy gia công cơ khí và mỗi năm phát triển thêm 2 - 3 nhà máy sản xuất linh kiện nội địa hóa.

Với sự phát triển ấn tượng này, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung đã từng nhấn mạnh rằng cả khu kinh tế mở Chu Lai tại Quảng Nam sẽ là hạt nhân tăng trưởng của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ngược lại, đối với Thaco Trường Hải thì sự mạnh mẽ của nền công nghiệp ô tô tại Chu Lại cũng đã góp phần đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu tại Việt Nam.

Đối với riêng tỉnh Quảng Nam, sự kết duyên với Thaco Trường Hải không chỉ mang đến danh xưng trung tâm công nghiệp ô tô của cả nước mà còn mang lại những nguồn lợi lớn về thuế cho tỉnh này. Về thu ngân sách của Quảng Nam năm 2016, cả tỉnh thu được khoảng 20.000 tỷ thì riêng Trường Hải đã nộp về ngân sách 15.000 tỷ.

Tất nhiên, Quảng Nam với đà hiện tại sẽ không dừng lại ở đây. Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian tới, với vị thế trung tâm của ngành, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Quảng Nam sẽ còn thu hút thêm nhiều “con sếu lớn” nữa chứ không chỉ còn là riêng Trường Hải nữa.

  




Văn bản gốc