Khi những người khổng lồ tranh miếng bánh thị phần
Mặc dù có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng thương mại điện tử cho đến nay mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị bán lẻ trên thế giới.
Đơn cử, ở cái nôi của ngành bán lẻ trực tuyến là Mỹ thì doanh số của công ty thương mại điện tử Amazon chỉ là 89 tỉ đô la trong khi doanh số của tập đoàn bán lẻ Walmart là 486 tỉ đô la. Nhưng 10 năm nữa mọi chuyện sẽ khác.
Trên thực tế, Walmart đang quyết tâm xây dựng chiến lược nhằm đuổi kịp Amazon trong phân khúc thương mại điện tử. Tập đoàn bán lẻ này đang dốc tiền vào một canh bạc lớn: mua vào công ty khởi nghiệp Jet.com – một công ty mới chỉ ba tuổi đời – với giá 3,3 tỉ đô la nhằm tạo đà cạnh tranh trên thị trường mới.
Cuộc cạnh tranh Walmart - Amazon đã trở nên khốc liệt từ giữa năm ngoái khi mà vào giữa tháng 7 Amazon công bố lễ hội mua sắm Prime Day thì Walmart đồng loạt hạ giá hàng ngàn mặt hàng trên hệ thống siêu thị khổng lồ. Trước đó, Walmart đã tung ra chương trình khách hàng ưu đãi Shipping Pass cho phân khúc bán lẻ trực tuyến của mình với phí đăng ký thành viên chỉ 50 đô la để đối phó với chương trình Amazon Prime có mức đăng ký gấp đôi, lên đến 99 đô la. Nhưng xem ra cuộc đuổi bắt này không đi đến đâu, và cuối cùng người khổng lồ ngành bán lẻ Walmart đã mua công ty khởi nghiệp Jet.com để làm bạn với mình trong cuộc chiến chống lại công ty thương mại điện tử hàng đầu Amazon.
Cuộc chiến thương mại điện tử
Walmart đã công bố việc mua lại trang thương mại điện tử Jet.com – trang web chuyên bán đồ gia dụng và tạp hóa với giá 3,3 tỉ đô la hôm 8-8 vừa qua. Trong đó, 3 tỉ đô la được trả bằng tiền mặt và 300 triệu đô la còn lại sẽ trả bằng cổ phiếu ưu đãi cho nhà sáng lập. Thương vụ sẽ kết thúc vào khoảng cuối năm nay, và dư luận cho rằng đây là một thương vụ sáp nhập cao giá nhất và hời nhất trong ngành cho tới nay, nhất là khi trang web Jet.com mới được đưa vào hoạt động từ tháng 7-2014. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là một động thái rất quyết liệt của Walmart nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong mảng bán lẻ trực tuyến, đặc biệt khi cả tập đoàn này và Jet.com đều có đối thủ chung là Amazon.
Trong nhiều năm qua, Walmart đã giữ vững vị trí tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, nay đã mở rộng lên đến 11.527 cửa hàng ở 28 quốc gia trên thế giới, sử dụng 2,3 triệu nhân viên để phục vụ cho hơn 260 triệu khách hàng mỗi tuần. Và, thật khó tưởng tượng nếu nước Mỹ không có Walmart khi mà khoảng 140 triệu người đều có thói quen đi mua sắm hằng tuần ở đại siêu thị này. Nhưng Amazon đang gây khó cho Walmart cũng như cho các nhà bán lẻ khác, từ Macy, Sears cho đến Penny. Nhiều siêu thị của các công ty bán lẻ truyền thống đã phải đóng cửa trước sức cạnh tranh của các công ty thương mại điện tử, mà chủ yếu là từ Amazon. Tính từ đầu năm đến nay, Walmart đã phải đóng cửa 270 cửa hàng tại các nước, trong đó có 115 siêu thị ở Mỹ.
Walmart đã mở ra mảng thương mại trực tuyến từ 15 năm trước, nhưng cho đến nay lĩnh vực kinh doanh này của tập đoàn vẫn giậm chân tại chỗ ở mức 3% tổng doanh thu, trong khi con số này ở Amazon là 93%. Bản báo cáo tài chính quý 1-2016 cho thấy mảng thương mại điện tử của Walmart chỉ tăng trưởng 7%, giảm đến 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó Amazon vẫn duy trì ở mức tăng trưởng 25%. Năng lực cạnh tranh của các công ty thương mại điện tử nay rất mạnh mẽ và những công ty nhỏ cũng có khả năng đánh gục các doanh nghiệp lớn. Với nhiều nguồn tài nguyên nắm trong tay, sau 15 năm phát triển, Walmart trong năm 2015 cũng mới chỉ đạt doanh thu trực tuyến 13,7 tỉ đô la, so với 107 tỉ đô la của Amazon. Trong khi đó, các khoản chi cho mặt bằng, nhân công và vận chuyển của Walmart luôn cao hơn Amazon gấp nhiều lần.
Năm 2012, Walmart quyết tâm vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến với việc hình thành trung tâm chiến lược gọi là WalmartLabs, và mời nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này tham gia. Nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra ở tốc độ chậm chạp, thậm chí vô hiệu quả cho dù tập đoàn đã có sẵn những cơ sở vật chất, bao gồm nhiều siêu thị để hỗ trợ dịch vụ thương mại trực tuyến. Các nhà phân tích nói rằng cho dù đã đầu tư vào thương mại điện tử trong nhiều năm nhưng dường Walmart chưa biết gì về khách hàng của họ, trong khi Amazon biết tất cả những gì khách hàng muốn, vào lúc nào, và đáp ứng yêu cầu của họ ra sao. Cách đây ba năm, một bài viết trên tờ Slate đã nói rằng những sự cố gắng của Walmart rồi đây cũng sẽ thất bại. Và điều này đã trở thành thực tế khi bản báo cáo tài chính nửa đầu năm 2016 cho thấy mảng thương mại điện tử của Walmart chỉ tăng 11,8% trong khi mức tăng chung của ngành này là 15%, và của riêng Amazon thì cao hơn nhiều. Rõ ràng Walmart đang mất dần thị trường chiến lược về tay người khác.
Chiến lược cộng sinh
Khi công bố việc sáp nhập Jet.com, Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon hứa hẹn tập đoàn sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến và sẽ giúp thương hiệu Jet.com phát triển thành công hơn trong một thời gian ngắn. Nhưng đây có vẻ là một cuộc cộng sinh hơn là một vụ thâu tóm. Mặc dầu mới chỉ đi vào hoạt động trong năm 2014, trang Jet.com đã thu hút được một lượng lớn giới trẻ với tốc độ tăng trưởng bình quân 350.000 khách hàng mỗi tháng, nhờ áp dụng các chính sách khuyến mãi, giảm giá và miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 35 đô la. Và điều quan trọng là, theo McMillon, Jet.com mang lại cho Walmart nhiều thương hiệu và một hệ thống khoảng 2.400 nhà bán lẻ cùng các đối tác của họ. McMillon cũng cho biết sẽ tiếp tục giữ cho Jet.com và Walmart hoạt động độc lập.
Trang tin Engadget cho biết Walmart mua lại Jet.com một phần là do sự phát triển nhanh chóng đạt đến 1 tỉ đô la doanh thu và 12 triệu sản phẩm dự trữ chỉ trong một năm của trang web này. Trên thực tế, tập đoàn bán lẻ khổng lồ đang phải đối phó với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến trong năm quý liên tiếp. Việc sáp nhập sẽ giúp nâng cao đáng kể mảng bán lẻ trực tuyến của hãng. Ông chủ Doug McMillon cũng kỳ vọng Walmart.com sẽ phát triển nhanh hơn, việc mua sắm trực tuyến sẽ trở nên liền mạch và thuận tiện hơn, và điểm cuối là tạo ưu thế trong cuộc cạnh tranh giành thị trường bán lẻ trực tuyến trước Amazon. Và hơn ai hết, ông chủ Marc Lore của Jet.com biết phải làm gì sau khi sáp nhập và lãnh nhận trách nhiệm điều hành cả thương hiệu Jet.com lẫn Walmart.com, bởi chính Lore đã buộc phải bán Quidsi cho Jeff Bezos với giá 546 triệu đô la sau một cuộc chiến thương mại trong năm 2010.
Các chuyên gia đánh giá đây là bước đi khôn ngoan của Walmart, bởi Marc Lore không chỉ tài giỏi mà còn là người hiểu rất rõ về Amazon. Vào thời điểm 2010, công ty Quidsi là chủ sở hữu trang bán hàng trực tuyến Diapers.com và Soap.com do Marc Lore là người sáng lập đã đạt doanh thu 300 triệu đô la mỗi năm, chỉ sau năm năm ra mắt. Kết quả này đã khiến Amazon chú ý và người khổng lồ này nhanh chóng giảm 1/3 giá bán tã em bé – vốn là mặt hàng chủ lực của Quidsi, khiến Lore không còn cách nào khác là phải “bán mình” cho Amazon trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và công ty không kiếm ra nguồn tài trợ. Việc đầu quân về Walmart là một cách giúp Marc Lore có được nguồn tài nguyên dồi dào trong khi vẫn giữ được Jet.com. Phía Walmart cũng cho biết sẽ sử dụng nền tảng công nghệ của Jet.com để số hóa kho hàng, từ đó tiết giảm chi phí kho bãi.
Hãy thận trọng!
Sau thương vụ giữa Walmart và Jet.com, hãng tin CNN đã đưa ra lời cảnh báo về tương lai của Amazon: Hãy thận trọng!. Walmart đã bắt đầu cải tiến hơn 80 siêu thị ở Mỹ nhằm hỗ trợ cho quá trình đặt hàng trực tuyến và đẩy mạnh dịch vụ giao hàng. Amazon ngược lại không có cửa hàng thực. Việc sở hữu gian hàng thực là một lợi thế lớn của Walmart do khách hàng có thể trả lại những mặt hàng họ mua qua mạng. Song đối với Amazon, khách sẽ gặp nhiều rắc rối lớn khi trả lại hàng. Ngoài việc nhanh chóng có thêm một số lượng lớn mặt hàng mới, khách hàng mới, đối tác mới, Walmart còn có được từ Jet.com một hệ thống phân phối hàng hóa chuyên nghiệp, nhanh chóng, đủ sức cạnh tranh với Amazon. Walmart nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng công nghệ, cũng chính là thuật toán hỗ trợ người mua hàng tìm được mức giá tốt nhất cùng chi phí giao hàng tiết kiệm nhất với các đơn hàng trực tuyến.
Theo nhà phân tích chiến lược Scott Strawn từ công ty nghiên cứu IDC, Walmart muốn học tập hình mẫu của Amazon bởi vì đó là cách duy nhất để có thể cạnh tranh trong những năm tới. Walmart cần kinh nghiệm điều hành và quản trị của Marc Lore, và ngược lại Marc Lore có 25% cổ phần trong bộ phận thương mại điện tử mới của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Tóm lại, theo sau cuộc sáp nhập mang tính cộng sinh nói trên, Marc Lore vẫn có Jet.com, vẫn là người dẫn dắt Jet.com cùng bộ phận kinh doanh trực tuyến đã có sẵn, và Walmart.com của Walmart. Cả hai cùng phải tiến về phía trước trong một cuộc chiến tranh giành thị trường với đối thủ đáng gờm nhất là Amazon. Trong tư thế một công ty trực tuyến độc lập, Jet.com dễ dàng hỗ trợ công nghệ cho Walmart hơn, và Walmart mở rộng cho Jet.com về quy mô mua hàng, nguồn cung ứng, đối tác phân phối và hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thương mại trực tuyến.
Nhưng liệu mọi chuyện có diễn ra theo những tính toán của Doug McMillon và Marc Lore không?. Nhiều người hoài nghi rằng chiến lược kinh doanh của Amazon trước nay luôn bền vững trước các cuộc tấn công tương tự, cả từ công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc. Amazon luôn có những sáng kiến để kéo khách hàng về phía mình trong khi vẫn giữ được mức lợi nhuận tối đa. Hơn một nửa hộ gia đình ở Mỹ đăng ký tham gia vào chương trình ưu đãi Amazon Prime. Amazon không chỉ biết rất rõ mà còn biết tất cả về khách hàng của mình, từ những cái nhấp chuột của họ đến lịch sử mua sắm của mỗi người khách. Điều này thì liên minh Walmart-Jet.com chắc còn lâu mới đuổi theo kịp. Thời gian giao hàng của Amazon đang được thu ngắn lại, chỉ còn hai giờ tại hàng chục thành phố, và chỉ trong một ngày với những nơi khác.
Cuối cùng, các nhà phân tích cho rằng hệ thống siêu thị dày đặc của Walmart chưa chắc đã hỗ trợ tốt cho mảng bán lẻ trực tuyến, một mặt bởi cấu trúc và chức năng của nó hoàn toàn khác, mặt khác bởi chi phí điều hành hệ thống này sẽ rất cao so với mục tiêu giảm giá để cạnh tranh của thương mại điện tử. Trên trang TechCrunch, nhà báo Tien Tzuo đặt đề tựa cho bài phân tích là ‘Để cạnh tranh với Amazon, Walmart đang tự phân đôi mình’. Một đề tựa hết sức hàm ý. Nhưng canh bạc lớn đã đặt tiền rồi, và câu trả lời lại phụ thuộc vào thời gian.
_______________________
Tài liệu tham khảo:
- To compete with Amazon, Walmart should cut itself in half (https://techcrunch.com)
- Confirmed: Walmart buys Jet.com for $3B in cash to fight Amazon (https://techcrunch.com)
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn