Tin tức

Trang chủ » » Khốc liệt thị trường bán lẻ

Khốc liệt thị trường bán lẻ

28/11/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hàng loạt nhà bán lẻ lớn đến từ Nhật, Hàn, Thái, Pháp đã có mặt tại VN, nhưng thị trường bán lẻ Việt có thực sự 'dễ ăn' như những con số dự báo hay không vẫn còn là câu hỏi.

Đầu tháng 11 vừa qua, chuỗi cửa hàng bán lẻ Letee Mart của Nhật khai trương cửa hàng đầu tiên tại VN. Tuy nhiên, việc xuất hiện của thương hiệu bán lẻ “100% hàng từ Nhật” này lại không gây chú ý bằng thông tin vào đầu năm tới, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7 - Eleven sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại VN. Theo thông tin trên các kênh truyền thông quốc tế, nhà bán lẻ lớn 7 - Eleven đặt mục tiêu sẽ mở được 100 cửa hàng trong vòng 3 năm đầu và tăng gấp 10 lần con số này trong vòng 10 năm đầu vào VN. Như vậy, sau nhiều lần “lỗi hẹn”, cuối cùng ông lớn đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ bằng mô hình cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật cũng đã quyết định vào VN.
Ngoài chiến lược đầu tư cửa hàng tiện lợi “nhanh, gọn, hiệu quả” thì mô hình siêu thị hạng trung cũng được nhiều nhà bán lẻ nội ngoại chú ý. Cũng ngay trong tháng 11 này, Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp đã chính thức “tiến quân” ra bắc, mở siêu thị Simply Mart đầu tiên tại Hà Nội. Tại TP.HCM, Auchan đã mở được 3 cửa hàng tiện lợi Simply Mart và khoảng 6 siêu thị Auchan tập trung chủ yếu tại các quận: 10, 5, Gò Vấp, Bình Tân và Tân Bình, kế hoạch đến cuối 2017 là 17 siêu thị tại TP.HCM và 20 cửa hàng tiện lợi tại khu vực phía bắc. Cách đây 2 năm, Auchan đã từng tuyên bố sẽ đầu tư vào thị trường VN khoảng 500 triệu USD để xây dựng chuỗi các đại siêu thị trong 10 năm tới.
Thị trường bán lẻ cạnh tranh bằng nhu cầu thực của người tiêu dùng
 
Cuối năm 2015, thị trường bán lẻ Việt chứng kiến sự đổ bộ âm thầm nhưng bài bản của nhà bán lẻ lớn đến từ Hàn Quốc Emart. Các nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản cũng đang được nhiều chuyên gia bán lẻ nhận định là “đối thủ đáng gờm” trên thị trường này với hệ thống siêu thị Aeon (Nhật). Hiện Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại tại VN và tham vọng tăng lên con số 20 vào năm 2020. Ngoài Aeon, tháng 7 vừa qua, Trung tâm thương mại Takashimaya, nhà bán lẻ có lịch sử 180 năm của Nhật, cũng đã được khai trương tại TP.HCM với chiến lược phục vụ giới tiêu thụ hạng trung trở lên.
 
Không “dễ ăn”
Theo số liệu nghiên cứu về ngành hàng bán lẻ, thị trường bán lẻ VN năm 2015 đạt 102 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng 7,3% trong giai đoạn 2010 - 2015. Dự báo, giai đoạn 2016 -2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Tiềm năng là thế nhưng thị trường bán lẻ nội địa cũng chứng kiến cuộc ra đi của những “ông lớn” đến trước. Trong năm nay, chỉ trong một thời gian ngắn, nhà bán lẻ đến từ Malaysia là Parkson lần lượt đóng 3 trung tâm thương mại tại TP.HCM và Hà Nội. Trong bản thông cáo phát đi, Parkson nêu lý do, thị trường ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nên cạnh tranh quyết liệt. Năm 2014, Parkson VN lỗ 37 tỉ đồng và năm 2015 lỗ tăng đột biến 1.250 tỉ đồng.
Điều đó cho thấy, thị trường bán lẻ VN đã đến lúc không còn “dễ ăn” như trước. Thực tế, bán lẻ theo mô hình tiện lợi đang “mọc như nấm sau mưa”. Đơn cử, chỉ trên một đoạn dài 500 m ở đường D2 (Q.Bình Thạnh), Lữ Gia (Q.11), Lê Văn Sỹ (Q.3), đều có đủ các thương hiệu cửa hàng tiện lợi: Vinmart +, Circle K, B's Mart. Theo chuyên gia kinh tế, rất khó để đưa ra nhận định thành công cho những thương hiệu vào sau trong bối cảnh như vậy. “7 - Eleven có tài lực về tài chính và thương hiệu, nhưng không dễ chen chân vào trong đoạn đường chỉ nửa cây số có đến 5 cửa hàng tiện lợi rồi. Vấn đề là phải có nét gì cá biệt, chứ na ná nhau thì rất dễ chết”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny, phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, nhận xét thị trường bán lẻ Việt sắp tới sẽ chứng khiến cuộc cạnh tranh mang tính chiều sâu, chứ không còn ở mức “bề nổi” nữa. “Người tiêu dùng Việt nay rất tinh, phân biệt khá rõ phân khúc nào và địa chỉ nào mà mình đang có nhu cầu. Chẳng hạn, muốn mua rau sạch nấu cho bữa ăn cuối ngày, họ ghé ngang VinMart+ trên đường đi làm về. Nhưng nếu có nhu cầu mua hàng cao cấp, chất lượng, họ tin tưởng vào những trung tâm thương mại có đẳng cấp, phân khúc rõ ràng như Takashimaya hay Vincom. Thế nên, cách kinh doanh bán lẻ mang tính “xuề xòa”, trộn lẫn cao cấp vào thấp cấp, rất khó thành công”, chuyên gia này nói.
Hằng Nga
Tổng hợp
  




Văn bản gốc