Không chia sẻ dữ liệu thì lấy đâu ra chuyển đổi số
Dữ liệu lớn (Big data), hay trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho quốc gia. Nhưng để đạt được điều đó thì trước tiên phải có Big data.
Chỉ có dữ liệu rất nhỏ so với cái gọi là Big data
Thông tin từ các cơ sở dữ liệu là yếu tố quan trọng và cơ bản nhất cấu thành nên bất cứ nền kinh tế nào. Thông tin càng được cập nhật kịp thời thì sẽ càng giúp việc quản lý hành chính nhà nước cũng như quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp được hiệu quả.
Tuy vậy, hiện nay hầu hết các tài liệu của các ngành và tại các tỉnh thành trên cả nước đang được lưu trữ ở dạng giấy và được cất tại kho. Mặc dù nhiều năm qua không ít nơi đã nỗ lực số hóa bằng máy quét và lưu trữ ở dạng thư mục tại các máy chủ, song nhìn chung vẫn chưa có giải pháp quản lý tài liệu điện tử hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ cho tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành, trong tỉnh. Việc khai thác tài liệu số chỉ mới áp dụng riêng lẻ ở một số ngành dọc quan trọng. Đây là nhận xét của đại diện Công ty TNHH Phát triển Hương Việt, đơn vị chuyên triển khai các giải pháp hệ thống số hóa và quản lý dữ liệu.
Theo ông Phí Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty tư vấn công nghệ P.A.T, tài nguyên dữ liệu lớn nhất hiện nay được phân bổ ở các cổng thông tin công khai (như mạng xã hội, trang web của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân), các tổ chức (tài nguyên dữ liệu lớn nhất thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước). Bên cạnh đó là nguồn dữ liệu từ các doanh nghiệp nhà nước với đặc thù kinh doanh liên quan đến nhiều nguồn thông tin (như ngân hàng, viễn thông, điện lực, hàng không...). Số liệu của ngành công an cũng là một nguồn tài nguyên thông tin rất lớn.
Việc khai thác tài nguyên này tại Việt Nam có những vấn đề cần xem xét một cách nghiêm túc, mà trước hết là về quyền riêng tư. Đây là điều mà Việt Nam chưa có luật chặt chẽ và việc quản lý rất “mỏng”, dẫn đến việc khai thác dữ liệu dường như không đúng với mục đích. Chẳng hạn thông tin khách hàng mua vé máy bay bị “bán” cho bên taxi, thông tin cá nhân bị “bán” cho tiếp thị bất động sản...
Thứ hai là tư duy chia sẻ thông tin (với mục đích sử dụng đúng và nằm trong luật) để tạo thành một hệ thống thông tin của người Việt còn rất kém. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn và độ chuẩn hóa thông tin còn ở mức độ rất thấp. Đơn cử như quy chuẩn về đặt tên đường phố, nút giao thông ở Việt Nam, mỗi tỉnh làm một kiểu.
Ông Phí Anh Tuấn cho biết, ông đã từng đề xuất tái đánh số đường phố theo quy luật. Các quốc gia tiên tiến như Mỹ đã làm điều này từ năm 1924, đã giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí cũng như giúp phân tích, tìm kiếm thông tin hiệu quả.
Vấn đề kỹ thuật và nhân sự phân tích, quản lý dữ liệu cũng là trở ngại không nhỏ, vì theo những người trong ngành thì người Việt Nam chưa hoàn toàn đảm trách được những khâu này.
Đối với nguồn tài nguyên dữ liệu quốc gia, đương nhiên cần phải có những đầu tư thỏa đáng của Chính phủ trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ dùng chung. Cơ sở dữ liệu quốc gia có ích trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong phân tích để hoạch định chiến lược quốc gia.
Nếu dữ liệu quốc gia được xây dựng theo chuẩn mở (OpenData) thì càng có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong việc khai thác để phát triển kinh doanh. Đáng tiếc rằng, nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia Việt Nam, sau rất nhiều năm nỗ lực gầy dựng, vẫn đang trong tình trạng loay hoay.
Đánh giá việc khai thác dữ liệu trong doanh nghiệp, ông Phí Anh Tuấn khẳng định hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không có dữ liệu lớn mà chỉ có loại dữ liệu điều hành doanh nghiệp - rất nhỏ so với cái gọi là Big data (ngoại trừ những doanh nghiệp như ngân hàng, viễn thông, điện lực, hàng không thì tạm gọi là Big data như đã đề cập trên).
Vì không có dữ liệu lớn nên các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng chỉ có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở những mức độ đơn giản. Chẳng hạn, dùng AI để quản lý chất lượng sản phẩm. Còn nói dùng AI để phân tích dữ liệu dự báo thị trường là chuyện viễn tưởng, mơ hồ với đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Cần hợp nhất, thay vì cứ giữ khư khư cho mình
Trong sự kiện Tech Summit 2019 vừa diễn ra cuối tháng 8 tại TPHCM, ông David Lang, Tư vấn chiến lược của Yellow Blocks, trích dẫn một nghiên cứu cho rằng, tới năm 2020, lượng dữ liệu trên thế giới sẽ gấp 75 lần số lượng cát trên trái đất. Điều đó cho thấy dữ liệu và sự bùng nổ nhanh của dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng trong xu hướng chuyển đổi số, nền kinh tế số toàn cầu.
Song hành với sức “công phá” của dữ liệu, vấn đề vi phạm quyền sử dụng dữ liệu cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Án phạt 5 tỉ đô la Mỹ mà Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đề xuất áp dụng với Facebook, là một ví dụ điển hình về vi phạm dữ liệu và tầm quan trọng của dữ liệu.
Nghiên cứu của Yellow Blocks cho biết thêm, nhờ có dữ liệu, các công ty có thể tương tác tốt và điều đó giúp họ giữ lại được tới 89% khách hàng, trong khi các công ty có tương tác kém chỉ giữ được 33%. Ứng dụng công nghệ vào khai thác dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp có những phản hồi tức thì, điều chỉnh chương trình kịp thời và cung ứng sản phẩm sát với thị trường theo thời gian thực. Ông David Lang khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển sang phương thức thương mại hợp nhất dữ liệu trên nhiều nền tảng, để việc khai thác dữ liệu trở nên hiệu quả hơn.
Khởi phát mô hình hợp nhất này là ba tên tuổi lớn Microsoft, SAP và Adobe. Cả ba tập đoàn này đều đã có những khách hàng riêng, thậm chí trong một số mảng họ là đối thủ của nhau, nhưng cuối cùng họ đã nghĩ ra phương án ngồi lại để cùng nhau đưa ra sáng kiến dữ liệu mở. Ba doanh nghiệp này đã kết hợp những dữ liệu của riêng họ thành một thông tin dữ liệu tổng hợp của khách hàng, nhờ đó giúp họ thấu hiểu khách hàng tốt và tổng quan hơn.
Tại Việt Nam, ông David Lang cho hay, tập đoàn Viettel cũng đang thực hiện sáng kiến dữ liệu mở tương tự. Gần đây, Viettel, FPT và CMC đã ký kết thỏa thuận về chuyển đối số, trong đó có sử dụng dữ liệu chung - đây là bước đầu tiên để các doanh nghiệp lớn ngồi lại với nhau, tiến đến mô hình hợp tác thương mại hợp nhất trên một nền tảng. Chỉ khi kết hợp như vậy tài nguyên dữ liệu mới có giá trị. Nếu mỗi doanh nghiệp, đơn vị cứ khư khư ôm một phần thông tin, thì dữ liệu sẽ chỉ là những mảnh rời rạc, ít giá trị.
Sức mạnh của dữ liệu là vô cùng lớn. Thậm chí, dựa vào dữ liệu, người ta còn khảo sát, nghiên cứu để phác họa ra chân dung người tiêu dùng trong tương lai nhằm phục vụ cho chiến lược kinh doanh đón đầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Vietnam, cho biết trong một tương lai không xa, doanh nghiệp sẽ không còn bán sản phẩm đơn thuần mà là bán phong cách sống cho người tiêu dùng. Những công nghệ thông minh khi đó sẽ trở nên hiển nhiên và vô hình. Chuỗi cung ứng cũng được tối ưu hóa thông qua kết nối IoT, tác động của con người sẽ giảm đi rất nhiều.
Bạch Đông
Theo Saigon Times