Kinh tế Anh trước nỗi lo tăng trưởng chậm lại
Từ sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) hôm 23/6, kinh tế Anh đang mất đà tăng trưởng trong bối cảnh đồng bảng yếu đi và lạm phát gia tăng.
Kinh tế Anh trước nỗi lo tăng trưởng chậm lại. Ảnh: EPA
Đây là kết quả phân tích mới nhất của tờ “Người bảo vệ” (The Guardian).
Sự biến chuyển đáng chú ý đối với kinh tế Anh trong tháng Mười chính là việc sụt giảm mạnh của đồng bảng.
So với đồng USD, đồng bảng Anh giao dịch quanh ngưỡng 1 bảng đổi được 1,22 USD, thấp hơn khoảng 18% so với ngày 23/6.
Trong tháng này, có thời điểm đồng bảng đã rớt xuống ngưỡng 1,15 USD, dù sau đó đã nhanh chóng hồi phục.
Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn chịu sức ép đi xuống kể từ sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào trước cuối tháng 3/2017.
Đồng bảng và chỉ số chứng khoán FTSE nằm trong tám chỉ số kinh tế mà tờ “Người bảo vệ” theo dõi để đưa ra những đánh giá hàng tháng về kinh tế Anh.
Phân tích kinh tế tháng 10/2016 cho thấy có tới bốn trên tám chỉ số nói trên cho kết quả yếu kém hơn dự báo và chỉ có hai chỉ số khả quan hơn dự đoán ban đầu.
Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh hơn dự báo và lên 1%, mức cao nhất trong gần hơn hai năm qua.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại với thế giới nới rộng, trong bối cảnh nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu.
Doanh số bán lẻ cũng chững lại, do giá hàng dệt may đắt đỏ hơn, cộng thêm thời tiết tháng Chín ấm áp hơn mọi năm.
Bốn tháng kể từ sau khi người dân nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, hiện có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dung "xứ sở sương mù" cần phải chuẩn bị cho tình huống mức sống giảm sút, do đồng bảng yếu đi đang đẩy lạm phát tăng lên, đồng thời khiến các doanh nghiệp hạn chế tăng lương.
Trong thư gửi tờ “Người bảo vệ”, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Anh, David Blanchflower đã lưu ý rằng nước Anh đang đối mặt với cơn sóng thần mang tên “Brexit” (Brexit tsunami).
Andrew Goodwin, nhà kinh tế Anh hàng đầu thuộc nhóm dự báo kinh tế Oxford Economics, lưu ý rằng cả doanh số bán lẻ lẫn số liệu về lạm phát mới công bố đều cho thấy sức ép lên giá cả đang gia tăng tại "xứ sở sương mù".
Theo dự báo mới nhất của Oxford Economics, lạm phát giá tiêu dùng dự báo sẽ tăng mạnh, lên trung bình 2,7% trong năm 2017.
Tình hình này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng chi tiêu của các hộ gia đình, đồng thời khiến cho mức tăng chi tiêu tiêu dùng chậm lại đáng kể.
Trong khi đó, tình hình tài chính công có chiều hướng xấu đi, trong bối cảnh Chính phủ Vương quốc Anh phải vay mượn nhiều hơn tháng 9/2016 khoảng 2 tỷ bảng, để cân bằng cán cân thu chi.
Điều này đặt Bộ trưởng tài chính Philip Hammond vào tình huống khó khăn hơn, khi ông công bố báo cáo mùa Thu trong tháng tới. Mức tăng lương chậm lại ở mức 2,3%.
Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng các doanh nghiệp sẽ trì hoãn các quyết định tuyển lao động cũng như quyết định tăng lương, nhằm giảm chi phí trong môi trường kinh doanh bất ổn.
Bên cạnh đó, phân tích của tờ “Người bảo vệ” cho thấy quyết định của Ngân hàng trung ương Anh hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% hồi tháng Tám vừa qua tiếp tục hỗ trợ lòng tin trên thị trường nhà đất.
Chính phủ nước Anh dự kiến sẽ công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý III/2016 (kết thúc tháng 9/2016) vào ngày 27/10 tới, trong đó nhịp độ tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại mức 0,3%, so với mức tăng 0,7% trong quý II/2016.
Tuy vậy, số liệu này vẫn tích cực hơn rất nhiều so với những gì người ta lo ngại sau cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời cho thấy nhiều khả năng kinh tế Anh cũng sẽ tránh được nguy cơ suy thoái mà không ít nhà kinh tế đã dự báo.
Như Mai
Tổng hợp