Tin tức

Trang chủ » » Kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều "điểm sáng"

Kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều "điểm sáng"

09/10/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Khép lại 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến cực, với kết quả tăng trưởng khá và được các chuyên gia tổ chức tài chính đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong khu vực…

Điểm sáng trên các mặt trận

Trong bối cảnh, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, trong 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định và có sự bứt phá, đạt mức tăng trưởng khá.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Đồng thời, điều này cũng cho thấy, những dấu hiệu rất tích cực đang hiện hữu ngày càng rõ nét đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong mức tăng trưởng trên, các trụ lực chính là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, lần lượt là 2,02%, 9,36%, 6,85%.

Trong những tháng đầu năm lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% (vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD).

Đặc biệt, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đã  ghi nhận mức tăng cao. Tổng thu NSNN lũy kế thu hết quý III/2019 ước đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa, đạt 882,4 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2018; Thu về dầu thô đạt 43,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán; Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, bằng 86,6% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 190 tỷ USD. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD… Đây là những con số rất đáng mừng. Cùng với đó, ngành Công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Mặc dù, nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức  do dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu… nhưng do những tháng đầu năm, Ngành này đã tập trung cơ cấu lại theo hướng hiệu quả hơn, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành. Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%...

Trong 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký); 27.6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Lạc quan triển vọng mới

Cùng với những kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm, nên fkinh tế Việt Nam còn được các nhiều tổ chức, định chế tài chính đánh giá cao về triển vọng phát triển.

Mới đây, trong báo cáo của mình, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) khẳng định tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Khẳng định của ICAEW trên cơ sở nghiên cứu “hàn thử biểu” kinh tế 10 nước Đông Nam Á để nói về trường hợp nếu tăng trưởng kinh tế Việt Nam. ICAEW dự kiến, GDP Việt Nam đạt 6,7% vào năm 2019, con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

ICAEW cho rằng, tăng trưởng kinh tế chung của khu vực trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực, chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực (Malaysia là gần 6%).

Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do đà xuất khẩu chậm lại đè nặng lên sự tăng trưởng.

Đồng thuận với nhận định của ICAEW, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khẳng định kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020, ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Theo ADB, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sức cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Vân Anh

Theo Tạp chí Tài chính

  




Văn bản gốc