Kinh tế Việt Nam năm 2021: Tận dụng thời cơ trong nguy khó
Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2021 đang đứng trước “thời cơ trong nguy khó”. Do vậy, để tận dụng được thời cơ và vượt qua nguy khó, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế hướng đến một nền kinh tế số.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh ĐD
Ngày 12/1, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (BUH) đã tổ chức hội thảo kinh tế vĩ mô thường niên với chủ đề “Việt Nam năm 2021 – Thời cơ trong nguy khó. Sự kiện thu hút các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức tài chính và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của BUH đã công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2020. Nội dung báo cáo cho thấy, bên cạnh việc phân tích kinh tế vĩ mô thế giới năm 2020 và những tác động đến kinh tế Việt Nam 2021, báo cáo cũng đánh giá khá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam năm 2020, đồng thời dự báo các chi số kinh tế vĩ mô năm 2021 trên cơ sở khai phá dữ liệu lớn (Big data) thông qua các phương pháp học sâu (Deep Learning).
Đáng chú ý, báo cáo đã dự báo hai kịch bản kinh tế năm 2021, với GDP tăng trưởng 6,5% cho kịch bản lạc quan và 5% cho kịch bản kém lạc quan…
4 điểm nhất của kinh tế năm 2020
Trình bày báo cáo tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng BUH cho biết, dịch Covid-19 diễn biển phúc tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vì thế đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hi sinh lợi ich kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Theo đó, kết thúc năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều cái nhất. Đầu tiên là mức tăng trưởng kinh tế tuy chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong thập niên 2011-2020, nhưng lại là con số cực kỳ ấn tượng và thuộc nhóm cao nhất toàn cầu.
Song song với tăng trưởng kinh tế, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp ổn định 2,31%. Không dừng lại ở đó, bất chấp sự sụp đổ của thương mại toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu là một thành công lớn của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 534,88 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 281,47 tỷ USD, nhập khẩu 262,41 tỷ USD.
“Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn thu hút được sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Trong 19 ngành, lĩnh vực được NĐT nước ngoài rót vốn năm 2020, lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế” – ông Nguyễn Đức Trung nói.
Số hóa mạnh nền kinh tế để tận dụng thời cơ
Bước sang năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới nhờ những nỗ lực lớn trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Mặc dù vậy, bối cảnh quốc tế năm 2021 không thuận lợi cũng có thể sẽ làm trầm trọng hơn những điểm yếu nội tại của nền kinh tế Việt Nam nếu không có những biện pháp cải cách mang tính thực chất và mạnh mē hơn nữa của Chính phủ.
Vấn đề này, báo cáo của BUH nêu rõ, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể nói đang đứng trước “thời cơ trong nguy khó”. Để tận dụng được “thời cơ" và vượt qua “nguy khó”, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế hướng đến một nền kinh tế số. Bởi lẽ, xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ ở nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển, trong đó có Việt Nam…
“Bên cạnh đó, để có những chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thực sự chính xác nhằm kích thích nền kinh tế vượt qua “nguy khó”, Việt Nam cũng cần chuyển đổi mạnh mẽ công tác dự báo hướng đến khai phá dữ liệu lớn (Big Data) thông qua các phương pháp học sâu (Deep Learning). Trong những năm gần đây, các phương pháp này ngày càng được ứng dụng nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế…” – Báo cáo nêu khuyến nghị./.
Đỗ Doãn
Theo Thời Báo Tài Chính