Kinh tế thế giới ‘khởi động thận trọng’
Kinh tế thế giới dù đã khởi động năm 2017 trong một “thể trạng” khá khỏe mạnh nhưng các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế đều cho rằng vẫn còn có quá nhiều yếu tố không chắc chắn để dự báo về tình hình thời gian tới.
Lo ngại nguy cơ bất ổn
Theo Ngân hàng Scotiabank của Canada, sự gia tăng nguy cơ bất ổn địa chính trị và hiệu ứng domino trên các thị trường có thể “phủ bóng đen” lên đà tăng trưởng của hầu hết các quốc gia.
Các nguy cơ hàng đầu hiện nay là chính trị, giữa bối cảnh nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hiện thực hóa các cam kết bảo hộ thương mại của mình như thế nào, hay Brexit có tác động tiêu cực đến kinh tế nước Anh hay không.
Các nguy cơ cũng tiềm ẩn tại Eurozone, khi trong các cuộc bầu cử tại Pháp, Italy, Đức và Hà Lan, các đảng phái phản đối đồng euro có khả năng giành chiến thắng.
* Ngày 7/2, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã khuyến cáo các công ty của Trung Quốc đang hoạt động tại nước Anh, nhất là trong lĩnh vực tài chính, cần có “biện pháp phòng ngừa” do tình hình bất ổn liên quan tới việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Hiện Vương quốc Anh đang nỗ lực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực tài chính, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc thiết lập trụ sở tại nước này để thâm nhập vào thị trường EU.
Kinh tế một số nước châu Á lạc quan
* Tại châu Á, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,8% trong quý IV/2016, cao hơn dự kiến trước đó, nhờ chi tiêu chính phủ gia tăng và các khoản vay ngân hàng lên mức kỷ lục. Song, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với những “trận gió ngược” từ sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản và các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ.
Cục Chính sách tài khóa (Bộ Tài chính Thái Lan) vừa điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của nước này lên 3,6%, so với mức dự báo tăng 3,4% đưa ra trước đó, sau khi chính phủ quyết định tăng chi ngân sách giữa năm lên 190 tỷ baht (tương đương khoảng 5,3 tỷ USD).
Trong viễn cảnh thuận lợi nhất, kinh tế Thái Lan có thể đạt nhịp độ tăng trưởng 4%. Các dự báo này được đưa ra trên cơ sở giá dầu thô ở mức 53,7 USD/thùng, tỷ giá hối đoái giữa đồng baht và USD là 35,75 baht/1 USD, lãi suất cơ bản 1,5%, có 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới Thái Lan và chi tiêu chính phủ tăng 5,1%, trong lúc đầu tư công tăng 10,1%.
* Theo số liệu vừa công bố của Cơ quan Thống kê Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này tăng trưởng 4,94% trong quý IV/2016 so với cùng kỳ năm 2015. Cả năm 2016, GDP của Indonesia tăng trưởng 5,02% (năm 2015 là 4,88%). Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua tăng trưởng kinh tế hàng năm của Indonesia nhích lên.
Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Đầu tư Pháp (Natixis) lạc quan cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của kinh tế Indonesia đã qua và dự đoán GDP của nước này sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2017. Kết quả thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra con số là 5,2%.
Chính sách điều hành tiền tệ
* Trong bài phát biểu hàng quý trước Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu ngày 6/2 tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định lạm phát tăng sẽ không khiến ngân hàng này kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sớm hơn dự kiến.
Ông Draghi cho rằng sự hỗ trợ của các biện pháp thuộc về chính sách tiền tệ vẫn cần thiết để đưa lạm phát lên mức mục tiêu cận 2% mà ECB đề ra. Sau nhiều tháng ở mức thấp, lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 1,1% trong tháng 12/2016 trước khi tăng mạnh hơn lên 1,8% trong tháng 1/2017, mức cao nhất trong gần 4 năm và được cho là sẽ đạt mức mục tiêu trong tháng 2/2017.
Ông Draghi cho rằng sự gia tăng này chủ yếu là nhờ giá dầu tăng gần đây và sức ép giá cả ở Eurozone vẫn rất thấp khi tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng và tăng trưởng năng suất yếu, cản trở mức tăng lương.
* Ngày 7/2, trong cuộc họp đầu tiên của ban lãnh đạo trong năm 2017, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) chính thức quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Citibank dự báo tăng trưởng kinh tế của Australia trong năm 2017 sẽ vào khoảng 3% và cho rằng lãi suất ở mức 1,5% sẽ vẫn được giữ trong một thời gian dài.
Giá cả hàng hóa
Giá dầu giảm
Phiên giao dịch ngày 7/2, giá dầu thô Mỹ giao tháng 4 giảm 84 cent, tương đương 1,6%, xuống 52,17USD/thùng trên Sở giao dịch chứng khoán New York Mercantile.
Giá dầu Brent giao tháng 3 giảm 1,03USD, tương đương 1,9%, xuống 54,69USD/thùng trên sàn ICE Future Europe.
Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết trữ lượng dầu thô tại Mỹ tăng 14,2 triệu thùng trong tuần trước, vượt 5 lần mức dự đoán của các nhà phân tích. Trữ lượng xăng tăng 2,9 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 1,1 triệu thùng của thị trường. Đây được cho là nguyên nhân làm giảm giá dầu.
Giá vàng vững ở mức 1.230 USD/ounce
Phiên giao dịch chiều ngày 7/2, giá vàng dao động nhẹ dưới mức cao nhất gần 3 tháng qua ghi nhận ở phiên trước đó.
Tuy nhiên, tình hình bất ổn chính trị trên toàn cầu khiến nhu cầu tìm tới các tài sản an toàn như vàng tăng cao.
Vào lúc 13 giờ 10 phút (giờ Việt Nam), tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay gần như không thay đổi so với phiên trước đó, đứng ở mức 1.234,30 USD/ounce. Trong phiên giao dịch ngày 6/2, giá kim loại quý này đã leo lên 1.235,73 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/11/2016.
Đồng won Hàn Quốc tăng giá
KBS dẫn thông báo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho hay tỷ giá won/USD vào cuối năm 2016 là 1.207,7 won đổi 1 USD đã giảm xuống còn 1.147,6 won đổi 1 USD trong phiên giao dịch 3/2 vừa qua đã giảm tới hơn 60 won chỉ trong hơn 1 tháng.
Xu hướng tăng giá đồng won gần đây là do giá trị đồng USD đã quay trở lại xu hướng giảm sau một loạt phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ông sẽ "không chấp nhận việc đồng USD tăng giá mạnh".
Tình hình đồng won tiếp tục xu hướng tăng giá như hiện nay có thể sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với các hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn đang có một số khởi sắc trong thời gian gần đây
Thanh Phương
Tổng hợp