Kinh tế thế giới : Mờ nhạt và ơ thờ với tăng trưởng
Đây là những gì đang xảy ra với kinh tế thế giới: Không quốc gia nào có ý định hay cách thức để trở thành đầu tàu tăng trưởng. Thế giới hoàn toàn mất cỗ máy kéo tăng trưởng
Theo Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hoãn tăng lãi suất lần nữa trong tuần này, một phần vì lo ngại động thái trên có thể khiến USD tăng giá và thúc đẩy nhập khẩu Mỹ. Trung Quốc đang nắm miếng bánh lớn hơn của thị trường thế giới, ngay cả khi họ thể hiện mong muốn tái định hướng nền kinh tế rời khỏi xuất khẩu. Trong lúc này, châu Âu đang chật vật xoay sở cùng lo ngại dư âm Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sẽ làm tan rã khối.
“Tôi không thấy đầu tàu nào ở đây. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đang bận rộn với các vấn đề địa phương”, Giáo sư Barry Eichengreen tại Đại học California ở Berkeley, Mỹ, cho hay. Có thể, kết quả của việc này sẽ là tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục mắc kẹt ở khoảng giữa 2% - 3% như từ năm 2010 đến nay. Đây là mức tăng trưởng mà Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde gọi là “mức tầm thường mới”. Con số trên thấp hơn nhiều so với ngưỡng trung bình 3,6% trong 5 năm tiền khủng hoảng toàn cầu 2008 - 2009.
Đằng sau mức tăng trưởng mờ nhạt là việc giới hoạch định chính sách ở Nhật Bản và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) “có thể nói là hết hỏa lực” để thúc đẩy kinh tế, nhà kinh tế trưởng Charles Collyns tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington (Mỹ) cho hay. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có kế hoạch đánh giá toàn diện hiệu quả các biện pháp tiền tệ, quyết định lập trường tương lai của nhà băng trong tuần này.
Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, thường xuyên đóng vai trò đầu tàu trong quá khứ. Song với mức tăng trưởng bình quân chỉ 2,1% kể từ suy thoái, các nhà hoạch định chính sách nước này chẳng còn muốn quốc gia gánh quá nhiều vai trò trên.
Tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ bước đều từ 2% đến 3% từ năm 2010
“Những gì tôi nói với các đồng nghiệp toàn cầu là chúng tôi không thể là động cơ duy nhất trên thế giới. Cần phải có nhiều động cơ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew cho biết tại một hội nghị ở New York hôm 13.9. Lập trường này cũng thể hiện trong việc giới chức Fed chú ý đến cách chính sách ảnh hưởng lên sự dịch chuyển của USD và nền kinh tế.
“Chuyện đô la Mỹ tăng giá 20% từ tháng 6.2014 đến tháng 1 năm nay có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế Mỹ tương đương với mức tăng 200 điểm cơ bản trong tỷ lệ quỹ liên bang”, quan chức Fed Lael Brainard nói tại Chicago hôm 12.9.
Thêm vào đó, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều cam kết thực hiện cách tiếp cận cơ bắp hơn, bảo vệ lợi ích thương mại Mỹ nếu họ đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Bà Clinton cho hay sẽ bổ nhiệm quan chức chuyên về thương mại, còn ông Trump thì đe dọa áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa đến từ Mexico và Trung Quốc.
Từ Đông Á, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên tiếng hồi tháng 7: “Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển, chúng tôi không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất của kinh tế thế giới”. Theo ông Lý, dù Đại lục còn duy trì vị trí ổn định cho sự phát triển toàn cầu, nước này vẫn đối mặt nhiều áp lực xấu. Họ không mấy sẵn sàng đảm nhận vai trò đầu tàu tăng trưởng.
Thu Thảo
Tổng hợp