Tin tức

Trang chủ » » Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2019

Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2019

25/03/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Từ năm 2010 đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%. Năm 2019, kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển cả về chất, lượng và quy mô tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.

Đóng góp ấn tượng cho ngân sách nhà nước

Theo TS. Phạm Thị Tường Vân, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), những nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng “Nhà nước kiến tạo” và “Chính phủ hành động” đã mang lại luồng sinh khí mới cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) ra đời và tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2018 còn có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn DN... Với đà tăng trưởng trên, tính cả năm 2018 sốlượng DN thành lập mới sẽ tiếp tục phá kỷ lục được thiết lập trong năm 2017.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục có những đóng góp ấn tượng cho ngân sách nhà nước. Theo bảng xếp hạng Top 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 công bố tháng 8/2018 của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số thuế thu nhập DN mà các DN trong Bảng xếp hạng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% trên tổng số thuế thu nhập DN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với năm 2016.

Trong đó, khối DN tư nhân có tỷ lệ DN xuất hiện trong Bảng xếp hạng nhiều nhất, với 458 DN, chiếm 45,8% số DN, với tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chỉ chiếm khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 17 DNNN.

Một số DN tư nhân đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước như: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Kỹ thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần tập đoàn Masan…

TS. Phạm Thị Tường Vân cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng như của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này tiếp tục chứng tỏ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo thống kê, kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 2010 đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%. Đây là thành công lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018.

Động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2019

Nhận định về triển vọng của khu vực kinh tế tư nhân, TS. Phạm Thị Tường Vân cho rằng, năm 2019, kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển cả về chất, lượng và quy mô tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Triển vọng tươi sáng của kinh tế tư nhân được đưa ra dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, sự phát triển vượt trội trong tư duy, nhận thức về tính tất yếu của kinh tế tư nhân: Nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò “động lực” và “một động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, năm 2019 tiếp tục là năm trọng tâm thực hiện “Nhà nước kiến tạo”, “Chính phủ hành động”: Sự cộng hưởng các nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế của các bộ, ngành trong giai đoạn 2016- 2018, đặc biệt là những nỗ lực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa đăng ký kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo nên một xung lực phát triển mới, một hy vọng mới về một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân trong năm 2019 - 2020.

Thứ ba, Nhà nước tiếp tục chủ trương thu hẹp phạm vi ngành, lĩnh vực hoạt động của DN nhà nước: DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư thông qua việc cơ cấu lại DNNN (cổ phần hóa, bán vốn, phá sản DNNN yếu kém), tạo không gian để kinh tế tư nhân phát triển và thực hiện vai trò động lực tăng trưởng.

Thứ tư, theo Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8/11/2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội như: Dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4-5%.

Hà Anh 

Theo Tạp chí tài chính

  




Văn bản gốc