Làm thế nào để phát huy vai trò kinh tế tư nhân?
DN tư nhân là chủ thể của kinh tế thị trường, được xã hội hóa theo xu hướng công ty CP, phải chịu khác biệt ứng xử trong nhận thức quản lý.
Tham gia Diễn đàn khoa học "Vai trò của kinh tế tư nhân nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam" do LHH KH-KT Việt Nam tổ chức, ông Lê Khả Đấu, Nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng muốn thay đổi và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, những đổi mới nhận thức là điều đặc biệt quan trọng.
Đại hội XII của Đảng là một bước tiến quan trọng về tư duy lý luận trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Sau 30 năm Đổi mới, “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên”. Kinh tế tư nhân (KTTN) được nhận thức lại, tạo điều kiện cho việc khôi phục, phát triển ngày càng bình đẳng với các loại hình khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, “Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động”. “Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.
Quá trình điều chỉnh về nhận thức, cải tiến cơ chế, chính sách quản lý đã tháo gỡ không ít khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTN phục hồi và ngày càng phát triển.
Kết quả đạt được về phát triển KTTN là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý của Nhà nước cũng như tâm lý xã hội vẫn còn thiếu thống nhất trong nhận thức, đang tạo ra không ít sự khác biệt trong ứng xử với KTTN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò động lực của loại hình kinh tế này.
Để góp phần làm rõ nhận thức, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đảm bảo cho các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, trong đó KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, xin nêu lên một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, giải quyết, cụ thể như sau:
1. Nhìn lại quá trình nhận thức về kinh tế tư nhân
Khái niệm KTTN đã có sự điều chỉnh đáng kể trong quá trình phát triển, nhất là trong quá trình Đổi mới của nước ta. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đúc rút lý luận, nhận thức về KTTN ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn cho công tác nghiên cứu và yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nhận thức, nhận dạng và ứng xử với KTTN vẫn chưa thật sự thống nhất, thể hiện trong các tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu, các diễn đàn, kể cả các văn bản chính thức về lãnh đạo và quản lý.
Trước thời kỳ Đổi mới, KTTN (thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất) được coi là loại hình kinh tế phi xã hội chủ nghĩa (XHCN), là đối tượng cần cải tạo để đi lên CNXH, khi đó nền kinh tế dựa hoàn toàn trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Từ Đại hội VI của Đảng, KTTN được nhìn nhận, khôi phục và từng bước tạo điều kiện phát triển. Từ chỗ không thừa nhận, KTTN được coi là một trong các “thành phần kinh tế khác”. Đại hội VI mới xác định: “Đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn nước ngoài, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”.
Nhờ sức mạnh của trào lưu Đổi mới, không lâu sau đó, ngày 15/7/1988, Bộ Chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW, khẳng địnhKTTN được phát triển không hạn chế về địa bàn, quy mô, trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm: “cần phát triển mạnh mẽ, không hạn chế kinh tế gia đình, các đơn vị sản xuất công tư hợp doanh, tiểu chủ, tư bản tư doanh ở thành thị và nông thôn, xóa bỏ những định kiến, những khuynh hướng độc quyền hoặc phân biệt đối xử và thiếu bình đẳng trước pháp luật đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên đối với thành phần kinh tế này, là bước tiến đáng kể về tư duy lý luận của Đảng. Đến ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã đánh giá: “Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế”. Điều đó không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của KTTN, mà còn yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn sự mặc cảm trong nhận thức gây phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa KTTN với kinh tế Nhà nước (KTNN).
Và đến nay, Đại hội XII của Đảng, một lần nữa khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường…; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”
2. Tiếp tục đổi mới nhận thức để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân
Quá trình điều chỉnh về nhận thức, cải tiến cơ chế, chính sách quản lý đã tháo gỡ không ít khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTN phục hồi và ngày càng phát triển. Nhờ vậy, nước ta đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân.
Kết quả đạt được về phát triển KTTN là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý của Nhà nước cũng như tâm lý xã hội vẫn còn thiếu thống nhất trong nhận thức, đang tạo rakhông ít sự khác biệt trong ứng xử với KTTN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò động lực của loại hình kinh tế này. Để góp phần khắc phục tình trạng đó, đảm bảo cho KTTN thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, xin nêu lên một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, giải quyết, cụ thể như sau:
Một là: về nội hàm của KTTN. Trong các tài liệu giảng dạy, học tập, các bài viết…, kinh tế tư nhân được định nghĩa theo nhiều giác độ khác nhau. Có lúc KTTN chỉ bao gồm loại hình kinh tế cá thể, tiểu chủ, dựa trên chế độ tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và sử dụng lao động bản thân là chính; những cơ sở sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất được gọi là kinh tế tư bản tư nhân.
Đến Đại hội X của Đảng, KTTN được xác định bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Tuy nhiên, tiêu chí cho ba loại hình đó vẫn chưa được xác định một cách cụ thể và nhất quán. Trong bối cảnh xã hội vẫn còn mặc cảm không ít với khái niệm tư bản tư nhân thì KTTN chưa có được thiện cảm trong các cơ quan quản lý, các tầng lớp dân cư cũng là điều dễ hiểu. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải xác định rõ nội hàm của KTTN phù hợp với bối cảnh nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tôi cho rằng, quan niệm KTTN là bộ phận cơ bản ngoài KTNN (có thể bao hàm hoặc không bao hàm kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài – cần đi sâu nghiên cứu để xác định). Với suy nghĩ đó, nói “KTTN chính là kinh tế của toàn dân” như phát biểu của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là có căn cứ.
Hai là: về phạm vi của KTTN. Với định nghĩa truyền thống “KTTN là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất”, chủ yếu mới thể hiện về các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế này (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần). Phần còn lại là tiềm lực hết sức quan trọng thuộc sở hữu tư nhân, bao gồm nguồn vốn dồi dào, trí tuệ sáng tạo, kinh nghiệm quản lý năng động, khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường…
Nên quan niệm về KTTN gồm hai bộ phận như trên mới bao quát được tiềm lực của KTTN, cũng giống như quan niệm KTNN không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện và sức mạnh qua việc ban hành các chính sách và khả năng quản lý của Nhà nước. Từ đó có giải pháp và chính sách huy động tiềm lực, phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế này.
Ba là: tiếp tục tháo dỡ những rào cản đối với KTTN. Đó là những rào cản về môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách, khả năng tiếp cận nguồn lực, về tâm lý xã hội…
Chúng ta xây dựng nước Việt Nam không còn người bóc lột người. Trong khi các giáo trình hiện hành vẫn xác định bản chất của kinh tế tư bản tư nhân là bóc lột giá trị thặng dư do lao động làm thuê tạo ra; kinh tế cá thể từng ngày, từng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản. Điều đó được hiểu là, tất cả các nghị quyết, chủ trương, chính sách chịu sự chi phối của Điều lệ đảng đều phải tuân theo.
KTTN, dù được nhìn nhận, đánh giá tích cực; dù được xác định vai trò quan trọng đến đâu thì cũng chỉ có ý nghĩa trong một thời gian nhất định gọi là thời kỳ quá độ, sẽ không còn tồn tại khi mục đích của Đảng được hoàn thành.
Sự lùng nhùng về tư tưởng chính trị đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn phát sinh trong thực tiễn. Vào khoảng năm 2000, chủ doanh nghiệp tư nhân ở một địa phương là đối tượng tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, có nguyện vọng gia nhập Đảng nhưng vì vướng điều lệ nên phải chuyển doanh nghiệp xuống loại hình kinh tế hộ gia đình mới được kết nạp.
Ngày 30/1/2013, Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn số 17-HD/BTCTW về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, hiệu lực đến 31/12/2014, nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế, đang phải gia hạn đến 31/12/2016. Kết nạp đảng đối với chủ doanh nghiệp tư nhân còn quá nhiều khó khăn so với thường dân , trong khi đảng viên là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, trở thành cán bộ chủ chốt của công ty cổ phần lại mặc nhiên không phải xem xét. Những bất cập đó đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của chủ DNTN.
Bốn là: cần hiểu và thực hiện cho đúng vai trò “là một động lực quan trọng” của KTTN và vai trò chủ đạo của KTNN.
Để không xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong ứng xử với KTTN thì hiểu và làm đúng vai trò chủ đạo của KTNN là hết sức quan trọng, không lấn át các thành phần kinh tế khác. Vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế thị trường được thực hiện trước hết thông qua quyền đại diện tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong đó nguồn và phương thức vận hành ngân sách nhà nước là công cụ sắc bén. Trong khi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều hạn chế, tỷ trọng ngày càng giảm, thì khu vực KTTN có nhiều ưu thế, sẽ cung cấp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, đáp ứng hữu hiệu các điều kiện để Nhà nước quản lý kinh tế theo đúng định hướng. Mặt khác, nếu không có tiêu chí rõ ràng, hiểu và vận dụng máy móc chủ trương “doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh” 8 , dẫn đến những ưu ái quá mức cho khu vực này thì sự bất bình đẳng với KTTN là khó tránh khỏi. Chủ đạo có nghĩa là dẫn đường, giống như hệ thống dẫn hướng của một chiếc xe. Còn động lực chính là hệ thống máy móc, động cơ, tạo ra nguồn lực cho quá trình vận hành của chiếc xe đó.
Năm là: Để phát huy tính ưu việt và vai trò động lực của KTTN, cần tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị tương xứng với yêu cầu khắt khe của nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó KTTN là khu vực kinh tế năng động và nhạy cảm. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chưa thật sự đầy đủ, đã và đang tạo ra môi trường mầu mỡ cho lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích hoành hành.
Tuy không có môi trường thuận lợi như các doanh nghiệp nhà nước và phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng đã có một bộ phận doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp lớn trở thành sân sau của các nhóm lợi ích, có khả năng chi phối việc quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản…, mà nghi án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đang là một ví dụ.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, khó có điều kiện tiếp cận nguồn lực, bất lợi thế trong quá trình cạnh tranh, dễ gặp rủi ro và rơi vào tình trạng phá sản.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.
Tóm lại, nhờ có sự đổi mới, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc về nhận thức, cải tiến công tác quản lý nhà nước và công bằng, lành mạnh hóa môi trường xã hội, KTTN ở nước ta đã phát triển rộng khắp, huy động mạnh mẽ tiềm năng về vốn, tạo việc làm, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng được xã hội hóa theo xu hướng phát triển công ty cổ phần, sẽ làm cho quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động ngày càng gần gủi, hòa hợp. KTTN là chủ thể của cơ chế thị trường, là lực lượng gợi mở cho hoạt động nghiên cứu lý luận và thúc đẩy công tác quản lý nhà nước ngày càng tiến bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những lúng túng, đang hạn chế sự phát triển của khu vực kinh tế có vai trò động lực quan trọng này. Cần tiếp tục xem xét lại các chủ trương, chính sách lãnh đạo và quản lý, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về thể chế, đổi mới cả nhận thức và hành động, xây dựng nền kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, vì mục tiêu xã hội văn minh. Khi đó, vai trò động lực quan trọng của KTTN trong nền kinh tế nhiều thành phần sẽ được phát huy đầy đủ nhất.
Lê Khả Đấu, Nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc