Liệu mô hình "shop-in-shop" tại Việt Nam có thực sự hiệu quả ?
Quy mô nhỏ, chưa phù hợp với tập quán mua sắm khiến doanh thu của các cửa hàng điện thoại di động trong hệ thống siêu thị ngày càng mờ nhạt. Sau khi Big C chính thức về tay Central Group, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) đã phải rút 22 cửa hàng ra khỏi Big C Việt Nam theo yêu cầu của hệ thống này.
Bán điện máy - điện thoại trong siêu thị & TTTM sẽ không có đất sống ở Việt Nam
Shop-in-shop, hay còn được biết đến với cái tên store-within-a-store, là mô hình kinh doanh nhà bán lẻ thuê khu vực riêng trong các siêu thị để bầy bán sản phẩm của riêng mình, thay vì đưa sản phẩm lên các kệ hàng như các đồ tiêu dùng khác.
Việc Thế giới Di động vừa rời 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị Big C khiến nhiều người quan tâm vì Thế giới Di động mới phát triển mô hình này tại Big C được hơn 1 năm. Tuy nhiên, theo Thế Giới Di Động, do 22 cửa hàng này đóng góp tỷ trọng nhỏ so với 1.000 cửa hàng bên ngoài nên không có tác động đáng kể nào đến sự tăng trưởng doanh thu của công ty.
Tính trung bình, mỗi cửa hàng Thế giới Di động trong chuỗi Big C chỉ đạt doanh thu không tới 15 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 1/7 so với mức trung bình 100 triệu đồng/ngày của toàn bộ 880 cửa hàng trong hệ thống.
Một cửa hàng "shop-in-shop" của Thế giới di động tại Big C
Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình shop-in-shop của Thế giới Di động đã thất bại. Bản thân ông Nguyễn Đức Tài, CEO Thế Giới Di Động cũng thừa nhận, mô hình shop-in-shop không hiệu quả bằng các cửa hàng bên ngoài.
Có đánh giá cho rằng, việc mua điện thoại không phải như mua cái áo.Mua điện thoại số tiền lớn nên người ta phải để dành, tùy theo thu nhập của từng người. Tủ lạnh, TV, xe, điện thoại là các sản phẩm có giá trị lớn, nên nếu quyết định mua thì phải chuẩn bị trước, không thuộc kiểu đi lang thang trong trung tâm thương mại rồi thấy thích thì mua.
Mô hình này của Thế giới Di động triển khai tại Big C coi như là đã thất bại và mô hình này cũng khó có thể triển khai tại các trung tâm mua sắm lớn khác. Với mô hình mới, dù hoạt động được một năm ở Big C song doanh thu không đáng kể. Mặt khác, đơn vị này cũng cho biết có chút khó khăn là một số ngành hàng chưa thể kinh doanh tại BigC như thẻ cào, máy cũ. Ngoài ra, việc xuất và nhập thông qua cổng BigC còn khó khăn… Mới đây, Thế Giới Di Động muốn chuyển qua bán điện máy và hai bên đã không đạt được thỏa thuận phù hợp nên chấm dứt hợp đồng.
Không có cái kết chóng vánh như câu chuyện giữa Thế Giới Di Động và BigC nhưng mô hình bán hàng điện tử, di động của nhiều doanh nghiệp trong các hệ thống siêu thị hiện nay cũng kém hấp dẫn.
Khách hàng chỉ muốn "Gạt chân chống - thanh toán tiền và đi"
Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã từng triển khai mô hình “shop in shop” từ rất lâu tại Bình Dương. Tuy nhiên, do cách thức vận hành còn nhiều hạn chế khiến khách hàng không có được sự thuận lợi cần thiết. Đơn cử như diện tích gian hàng chỉ ở mức 12m2, phụ thuộc BigC ở khâu thanh toán, các khuyến mại nhận được khi mua phải mang ra siêu thị thegioididong.com bên ngoài mới được áp dụng hoặc các đơn hàng online khó xử lý... Chính vì những hạn chế này nên thử nghiệm lần đầu đã không đạt được thành công.
Từ cuối năm 2009, mô hình "shop in shop" (cửa hàng nằm trong cửa hàng) của chuỗi bán lẻ Viễn Thông A đã bắt đầu đưa vào các hệ thống CoopMart, Lotte Mart… nhưng hoạt động khá mờ nhạt.. Tại các hệ thống siêu thị Lotte ở quận 10, nhân viên bán hàng của Viễn Thông A cho biết lượng khách đến nhiều nhưng đa phần là các bà nội trợ, chỉ quan tâm tới thực phẩm, đồ gia đình chứ ít khi ghé xem điện thoại. “Có ngày chỉ có vài khách trẻ tuổi ghé xem nhưng ít người chuẩn bị sẵn hầu bao để mua. Các mẫu sản phẩm cũng không đa dạng như cửa hàng lớn”, nhân viên ở đây cho biết.
Ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới Di động, cho biết cửa hàng của công ty ông trong mô hình "shop in shop" không hiệu quả bằng các cửa hàng bên ngoài.
"Khi họ (người tiêu dùng - PV) đã chuẩn bị thì họ không làm theo kiểu thấy thì mua. Còn một người đã có kế hoạch trước, chạy đến cửa hàng của Thế giới Di động thì họ đã có kế hoạch rồi. Vì vậy, tôi cho rằng còn lâu lắm, shop in shop mới được như shop ở bên ngoài", ông Tài nói.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing MediaMart từng cho biết, mô hình shop-in-shop chỉ có thể thích hợp khi đô thị có hạ tầng phát triển, như ở Bangkok hay Singapore, ga tàu điện đỗ ngay cửa các trung tâm thương mại nên lượng khách vào mua sắm rất động.
Còn ở Việt Nam, mô hình hiện nay được gọi là "gạt chân chống - thanh toán tiền và đi", tức là rất nhanh gọn. Ông Hải cho biết, đứng trên địa vị một khách hàng, muốn mua hàng ở một trung tâm điện máy kiểu shop-in-shop, trước tiên phải gửi xe, sau đó phải đi bộ, nên mất khá nhiều thời gian mới tới được cửa hàng. Sau đó, nếu mua hàng, khách sẽ phải tự khuân đồ xuống xe, khá bất tiện.
Trong khi đó, ở các cửa hàng ngoài mặt phố, khách hàng dựng xe trước cửa hàng, nhân viên buộc dây và khách hàng gạt chân chống rồi đi, quy trình rất nhanh gọn và vẫn là thói quen mua sắm chủ đạo của người Việt.
Linh Chi
Tổng hợp