Tin tức

Trang chủ » » Lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hồi

Lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hồi

15/02/2022

Chuyên mục: Tin tức In trang

PMI tháng 1 của Việt Nam đạt 53,7 điểm, cao hơn tháng trước và ghi nhận mức độ cải thiện cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI), được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân ngành sản xuất, dịch vụ, nhằm đánh giá sức khỏe chung của cả nền kinh tế. Chỉ số này lấy ngưỡng 50 điểm để xác nhận sự mở rộng (trên 50) hay thu hẹp (dưới 50) của lĩnh vực sản xuất.

Tháng đầu tiên của năm 2022, PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 của tháng 12 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021.

PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 1 đạt 53,7 điểm. Ảnh: IHS Markit

PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 1 đạt 53,7 điểm. Ảnh: IHS Markit

"Các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022 khi không còn những hạn chế phạm vi rộng, từ đó lĩnh vực sản xuất đã có thể tăng trưởng bất chấp số lượng ca nhiễm vẫn tương đối cao", Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nhận xét và cho rằng, các công ty đã có thể lạc quan hơn về triển vọng trong năm tới.

Theo đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh hơn trong tháng đầu năm nay khi nhu cầu khách hàng tiếp tục cải thiện. Ở cả hai trường hợp, tốc độ tăng là nhanh nhất trong thời gian chín tháng. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới được hỗ trợ khi số lượng đơn hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng, với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2018.

Một số công ty cũng lạc quan hơn về triển vọng sản lượng trong năm tới. Khoảng 60% số người trả lời dự đoán tăng sản lượng, và mức độ lạc quan tổng thể là cao nhất trong hơn ba năm.

Công nhân Công ty GarmentTech Pro (Khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hoà, Long An) sản xuất khẩu trang vải .Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân Công ty GarmentTech Pro (Khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hoà, Long An) sản xuất khẩu trang vải. Ảnh: Quỳnh Trần

Với lạm phát, có những dấu hiệu cho thấy áp lực khó nhận thấy hơn so với hầu hết thời gian của năm 2021. Chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm thứ nhì trong bảy tháng, trong khi giá cả đầu ra tăng chậm lại thành mức yếu nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Theo những người trả lời khảo sát của IHS Markit, nhân tố chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào là giá cước vận tải và chuyển hàng quốc tế tăng. Những khó khăn với khâu vận chuyển và tình trạng gián đoạn tiếp diễn do đại dịch khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài vào đầu năm.

Ở khía cạnh nhân sự, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, đáng kể nhất là tình trạng nghỉ làm của nhân viên, trong khi khả năng tăng mạnh số ca nhiễm do biến thể Omicron có thể làm tình trạng gián đoạn tồi tệ hơn.

Việc làm đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1 khi các công ty tiếp tục xây dựng lại đội ngũ nhân viên. Tuy tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 12 nhưng vẫn khiêm tốn khi một số nhân viên đã phải nghỉ việc do nhiễm Covid-19 và một số khác vẫn chưa trở lại làm việc.

  




Văn bản gốc