Lộ diện những "ông trùm" trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, đứng vị trí thứ nhất là Công ty ô tô Trường Hải, tiếp theo là Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji....
Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016.
Tại bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất năm 2016, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp đó là Công ty TNHH Samsung, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Hàng Không Việt Nam.
Trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, đứng vị trí thứ nhất là Công ty ô tô Trường Hải, tiếp theo là Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP FPT, Tập đoàn Vingroup, Masan, Hòa Phát, Thế giới di động, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng VP Bank.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng của Vietnam Report cho biết phần lớn doanh nghiệp có nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 đã tăng trưởng.
Năm 2016 cũng được đánh giá là một năm các DN phải đối diện với nhiều rào cản đến từ thách thức tăng trưởng nền kinh tế và biến động kinh tế, chính trị trên thế giới. Số lượng lao động trong DN hiện tại cũng được số đông DN nhận định là cơ bản ổn định. Trong quý 1/2017, 60% DN cho rằng sẽ giữ nguyên số lượng lao động trong tình hình sản xuất kinh doanh của DN.
Dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong 3 tháng đầu năm 2017, các DN đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh nói chung, đồng thời cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016.
Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh của DN trong 2 năm tới, 76% DN phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, còn 19% dn có kế hoạch tăng và chỉ có 5% DN phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.
Ngoài ra, xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới là hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác, vì vậy đã có nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Các thương vụ sáp nhập và liên doanh đang dần trở thành các phương thức mà DN tìm kiếm để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Gần 25% DN phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% DN trả lời đã tìm kiếm, và thăm dò về các thương vụ này.
Về lĩnh vực đầu tư, hầu hết các DN lớn đều quyết định tăng đầu tư cho các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018, 32% DN ước đoán sẽ tăng cường đầu tư trên 50% cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.
Ngoài ra, trả lời khảo sát, gần 45% DN thể hiện ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành công nghiệp, chế tạo và dịch vụ, thương mại, điều này cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các DN lớn ngày càng tăng.
Theo Infonet