Loạt giải pháp kích cầu giúp bật tăng doanh thu thị trường trong nước
Hàng loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm có dấu hiệu bật tăng trở lại.
Doanh thu thị trường trong nước dần tăng trưởng
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), theo đà của tháng 6, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng thời đây cũng là tháng học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước.
Doanh thu thị trường bán lẻ đang dần tăng trưởng |
Theo đó, khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 7%. Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhằm phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và thu được kết quả tích cực. Đơn cử, sau 3 tuần triển khai, Chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020 tổ chức từ ngày 1/7/2020 đến ngày 31/7/2020 trên phạm vi toàn quốc đã triển khai tổ chức được hơn 3.000 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại trên 50% được triển khai thực hiện trên cả nước.
Trong đó, hạn mức khuyến mại 80% đến 100% có gần 400 chương trình, hạn mức khuyến mại 60% đến 79% có gần 700 chương trình và hạn mức khuyến mại từ 50% đến 69% có hơn 1.900 chương trình. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hiện, Bộ Công Thương vẫn đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc triển khai các nội dung tuyên truyền, quảng bá về Chương trình thông qua hình thức phát phóng sự trên truyền hình, quảng bá trên đài phát thanh, treo băng rôn, phướn và phát tờ rơi tại các địa điểm du lịch.
Bên cạnh đó, ngày 25/7/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020. Đây là một trong 4 hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh diễn ra từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2020 của ngành Công Thương.
Chia sẻ về chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 có nhiều điểm mới, với hàng loạt các hoạt động trải nghiệm, tương tác trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; tương tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý. Chương trình sẽ hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, góp phần nâng cao thị phần của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của thị trường nội địa
Thị trường trong nước được nhận định vẫn là một trong những động lực chính cho kinh tế đất nước, trong bối cảnh những động lực tăng trưởng khác như ngoại thương còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với tình hình đất nước trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương đã Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
"Trong đợt dịch lần trước, Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa và hướng dẫn các địa phương triển khai theo đúng các kịch bản đã đề ra. Hiện nay, khi dịch bùng phát trở lại, Bộ đã kích hoạt lại các kịch bản này. Đồng thời, căn cứ theo tình hình thực tế, có công văn gửi các địa phương, doanh nghiệp về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm thiết yếu… Trong đó khuyến khích các hình thức bán online” – ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Song song với đó, đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả thị trường quốc tế và trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thịt lợn… trong thời gian trong và sau dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Ngoài ra, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.