Minh bạch để thu hút đầu tư
Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), hay 10 doanh nghiệp trong văn bản 1787/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có CTCP Sữa Việt Nam -VNM), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khẳng định việc thoái vốn phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Với doanh nghiệp niêm yết tuân thủ theo quy định của Luật Chứng khoán (khớp lệnh, thỏa thuận), còn doanh nghiệp đã cổ phần hóa (CPH) chưa niêm yết phải đăng ký giao dịch. Việc đấu giá sẽ được thực hiện công khai, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc công khai, minh bạch trong đấu giá sẽ giảm thiểu thất thoát vốn nhà nước, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và ổn định thị trường.
Về việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco, theo ông Tiến, hiện phần vốn nhà nước chưa bàn giao về Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nên về mặt pháp lý Bộ Công Thương vẫn đại diện chủ sở hữu. Trong việc thoái vốn 2 doanh nghiệp này, Bộ Tài chính chỉ tham mưu, giám sát và cho ý kiến nếu Bộ Công Thương yêu cầu. Chịu trách nhiệm chính trong việc thoái vốn này là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Về danh mục 10 doanh nghiệp thoái vốn, trong đó có VNM, ông Tiến cho biết hiện SCIC đang xây dựng phương án và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu phải bán vốn nhà nước trong năm nay, 9 doanh nghiệp khác cũng như vậy. Việc bán vốn cụ thể ra sao sẽ do SCIC trình phương án, còn Bộ Tài chính là cơ quan giám sát. Do việc bán vốn VNM nhạy cảm nên việc bán phải thực hiện đúng quy trình. Với quy mô của VNM, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước lớn, vốn hóa lớn, SCIC phải nghiên cứu việc bán vốn không chỉ thực hiện ở Việt Nam mà còn cần mời chào nhà đầu tư quốc tế. Bởi lẽ thị trường trong nước khó hấp thụ hết phần vốn nếu Nhà nước thoái hết tại VNM. “Thương hiệu của VNM không còn bó hẹp ở trong nước mà là thương hiệu của Việt Nam ở khu vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng có sự đánh giá cao doanh nghiệp này” - ông Tiến nói.
Việc thoái hết vốn tại những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu như VNM, FPT, Sabeco Nhà nước không cần nắm giữ… là tín hiệu tích cực để thu hút sự quan tâm, chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết nếu Chính phủ Việt Nam làm được như vậy họ sẽ thoải mái hơn trong việc bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, từ trước đến nay nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài chỉ tham gia bỏ vốn sau khi doanh nghiệp Việt Nam bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), không tham gia đấu giá. Lý do bởi thông tin thiếu minh bạch và họ chỉ mua khi cổ phiếu đó niêm yết trên thị trường chứng khoán (vì minh bạch, thanh khoản tốt…).
Trong năm nay, các doanh nghiệp trên sẽ tiến hành thoái vốn nhà nước, trong khi thời gian còn lại của năm 2016 không còn nhiều. Đây là thách thức không nhỏ trong việc làm sao đảm bảo lợi ích tối đa của Nhà nước, không gây biến động thị trường. Chính vì vậy, việc thoái vốn này nên được tiến hành nhiều lần và theo sát diễn biến thị trường. Với các doanh nghiệp chưa niêm yết, trước khi niêm yết cần phải tiến hành thuê tổ chức định giá, thậm chí doanh nghiệp quy mô lớn phải thuê định giá quốc tế để đánh giá lại tiềm năng của mình. Bởi lẽ, những thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco… Việt Nam chưa định giá thương hiệu mà chỉ đưa ra giá trị sổ sách, vì vậy cần phải có tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm trong vấn đề này. Khi lên niêm yết, kết hợp giá được tổ chức tư vấn định giá và giá niêm yết sẽ hạn chế thất thoát, gian lận, loại trừ được lợi ích nhóm.
Thực tế việc thiếu công khai, minh bạch đang là điểm nghẽn khiến nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần. Vì thế, việc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước lớn nêu trên được công khai minh bạch, có lộ trình rõ ràng sẽ tạo niềm tin để thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Phương Huyền
Tổng hợp