'Muốn phát triển kinh tế số, Chính phủ phải làm gương trước'
Hành lang pháp lý Việt Nam hiện được các chuyên gia đánh giá là "chậm 3-5 năm" so với sự phát triển của kinh tế số.
Những hiến kế của hội thảo này được họ kỳ vọng là nội dung đầu vào quan trọng cho phiên họp toàn thể do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì chiều nay.
Hội thảo phát triển kinh tế số thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu sáng 2/5. Ảnh: Giang Huy. |
Thế nào là kinh tế số?
Mở đầu hội thảo, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư. Ảnh: Giang Huy. |
Tuy nhiên, những con số "hấp dẫn" ấy không thể phủ nhận thực tế mà chính ông Thắng và người điều phối chương trình - Nguyễn Trung Chính phải thừa nhận là, khái niệm "kinh tế số" ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được xác định lại.
Ông Thắng cho biết, khái niệm kinh tế số nhìn một cách cơ bản theo ông là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Ông Thắng cho biết Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ xây dựng những chiến lược về kinh tế số và CMCN 4.0 dựa trên khái niệm này.
Còn ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Thông tin Truyền thông cho rằng, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng...
Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Giang Huy. |
Qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, AirBnb...
Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, cần hiểu cặn kẽ về khái niệm kinh tế số, tránh nhầm lẫn.
Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ, kinh tế số là một phần của nền kinh tế trong đó gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy. Ảnh: Giang Huy. |
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số, ông Duy nói, là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Chính phủ Việt Nam cần làm gương để phát triển kinh tế số
Đóng góp cho sự phát triển kinh tế số, TS Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam chỉ ra bốn việc cần thực hiện.
Một là cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Lấy ví dụ về sự phát triển tương tự tại Anh, TS Brian Hull cho rằng Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.
TS Brian Hull - Tổng giám đốc ABB Việt Nam. |
Điểm thứ hai là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi công nghệ mới xuất hiện, những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai. Nếu Chính phủ hay những doanh nghiệp lớn có thể xây dựng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất.
Điểm thứ ba là đảm bảo an toàn an ninh mạng. Có nhiều ưu điểm khi thực hiện chuyển đổi sang hạ tầng thông minh, nhưng điều này cũng tiềm ẩn thách thức đến từ việc đảm bảo sự an toàn trong hoạt động. Nhiều nhà sản xuất toàn cầu đã phải dừng hoạt động vì những cuộc tấn công mạng. Do đó, theo Tổng giám đốc ABB Việt Nam, nếu có hạ tầng thông minh thì song song với điều này là việc xây dựng những giải pháp đảm bảo an toàn an ninh hệ thống. Những công ty Việt Nam đảm bảo được điều này thì có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhân lực cũng là vấn đề được TS Brian Hull nhắc đến như một tiền đề cho sự phát triển. "Những nhà máy thông minh cũng không thể tự vận hành, chúng ta cần những kỹ sư. Vậy nguồn lực này đến từ đâu? Tôi nghĩ việc phát triển cơ sở nhân lực cũng là điều quan trọng. Nguồn nhân lực đảm bảo sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế số", Tổng giám đốc ABB Việt Nam nhận xét.
Điểm cuối cùng theo ông là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.
Điểm yếu trong thực hiện kinh tế số là "triển khai nửa vời"
Trả lời câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì?", ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.
Ông Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch HĐQT FPT. Ảnh: Giang Huy. |
"Chẳng cứ kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, việc nói và làm không đi cùng nhau", ông Ngọc nói và cho rằng Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả.
Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, Phó chủ tịch FPT cho rằng đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai "rất nửa vời". "Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", Phó chủ tịch FPT kết luận.
Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo ông Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.
Dữ liệu là dầu mỏ của quốc gia trong nền kinh tế số
GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở sẽ là chìa khóa cho nhiều vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân.
GS Hồ Tú Bảo. Ảnh: Giang Huy. |
Trước hết, theo ông Bảo, cần phải khẳng định dữ liệu là tài sản. Dữ liệu mở tức là bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng, nhưng cần ghi nhận nguồn. "Đã là dữ liệu và tài sản thì phải có người chủ sở hữu, và từ đó hình thành vấn đề quan trọng là việc trao quyền sử dụng từ người sở hữu cho người sử dụng", ông nói.
Bộ, ngành nào cũng có dữ liệu nhưng chẳng liên thông, kết nối với nhau
Ông Vũ Đại Thắng - Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, ngay ở Bộ cũng đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài... Nhưng quan trọng theo ông là, hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau.
Ở góc độ quốc gia, ông Thắng nói, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan. "Cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, để dùng chung", ông cho biết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong kinh tế số, dữ liệu ví là nhiên liệu của nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu, các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông. "Khi chưa liên thông, kết nối thì khó nói chuyện xa xôi, cạnh tranh với thế giới", ông Hưng lưu ý.
Để trám vào khoảng trống này, ông cho biết, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì. Theo dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu đang xây dựng, bộ này đưa ra khái niệm "open data" (dữ liệu mở), giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hoạt động, sản xuất.
Nêu vướng mắc trong kết nối dữ liệu, ông Hưng cho rằng, kỹ thuật không phải là vấn đề, mà là ở chính sách. Ông ví dụ với thu phí không dừng trong BOT giao thông tới giờ vẫn chưa triển khai được. "Ở góc độ kỹ thuật không khó, doanh nghiệp hoàn toàn làm được, nhưng vướng mắc ở chính sách", ông một lần nữa nhấn mạnh.
Nói rõ hơn về "open data", ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, nguyên tắc khi cơ quan này xây dựng dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu là tạo cơ chế, thu thập cơ sở dữ liệu minh bạch, rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghị định này cũng nhằm mục tiêu hạn chế thu thập lại cùng một dữ liệu, khắc phục thực trạng hiện nay. Cùng đó, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân. Nghị định này cũng nêu rõ khái niệm về dữ liệu mở, người dân doanh nghiệp có thể được sử dụng miễn phí.
Bộ Thông tin & Truyền thông: Năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số
Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ Thông tin & Truyền thông chắp bút. Theo dự thảo lần một, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022-2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.
Theo ông Hưng, dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.
Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.
Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.
Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước: 'Tất cả bộ ngành phải vào cuộc để liên thông dữ liệu'
Nhắc đến câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói ước mơ là đưa "mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile".
Ông Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Giang Huy. |
Về vấn đề sử dụng dữ liệu, ông Dũng cho rằng rào cản nằm ở sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông... cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan.
Ngoài những rào cản về mặt cơ chế, ông Dũng cho rằng một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng. "Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước", Vụ trưởng Thanh toán nói và cho rằng cải thiện lòng tin của khách hàng sẽ tạo ra sự thay đổi trong quy trình thanh toán thương mại điện tử.
Một rào cản khác cho sự thay đổi, theo ông Dũng, là khoảng cách giữa nói và làm, tương tự đánh giá trước đó của ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch FPT. Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, sẽ tiến tới là Bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox (khung pháp lý thử nghiệm).
Đánh giá hành lang pháp lý đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm, ông Dũng cho rằng nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là điều rất khó.
CEO TP Bank: Có thêm dữ liệu sinh trắc học sẽ giảm thiểu giả mạo tại ngân hàng
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TP Bank cho rằng, ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vì hiện nay tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch rất nhiều. Từ giả mạo thông tin cho đến giả mạo cả người đến làm thủ tục, thậm chí đến nay còn có tình trạng mua bán thông tin thật của một ai đó rồi thuê người đến làm thẻ, ebank và sử dụng tài khoản đó. Bởi vậy, ngân hàng cũng rất khó khăn trong việc phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố...
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank. Ảnh: Giang Huy. |
Nếu Chính phủ có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở để các ngân hàng khai thác thì có thể hạn chế được nhiều. Hiện nay TPBank mới tra cứu được các thông tin về mã số thuế, bảo hiểm xã hội. "Tuy nhiên, mặc dù thông tin đó đúng nhưng việc người mang thông tin đó đến ngân hàng làm thủ tục có đúng hay không thì chúng tôi không chắc chắn được. Nếu có thêm các yếu tố về sinh trắc học như vân tay, mống mắt... thì tỷ lệ giả mạo sẽ bớt nhiều", ông nói.
Theo ông Hưng, TPBank là đơn vị đầu tiên triển khai ngân hàng điện tử hoạt động ngày đêm không cần giao dịch viên. Ngân hàng cũng phải mất hơn nửa năm để thuyết phục cơ quan quản lý cho phép xác thực khách hàng từ xa qua hệ thống điện tử. Nhờ đó, TPBank cũng thu thập được vân tay, giọng nói, gương mặt. "Đó là những sinh trắc không làm giả được. Và sau này chúng tôi sẽ phân tích dữ liệu đó và vận dụng. Đến nay, khách hàng có thể dùng vân tay đó để đi rút tiền mà không cần mang theo thẻ, không sợ bị làm thẻ giả để rút tiền tại ATM", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo đại diện TPBank, nếu sử dụng dữ liệu theo cơ chế bắc cầu, dùng thông tin từ một đơn vị khác thì chỉ cần một đơn vị làm không đúng sẽ bị ảnh hưởng cả hệ thống.
Lãnh đạo Vietcombank: Nên có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thanh toán điện tử
Ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ ra một số vấn đề cần tháo gỡ để phát triển thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Thứ nhất, thói quen của người tiêu dùng đang là rào cản lớn nhất. Hiện 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu.
Ông Đào Minh Tuấn. Ảnh: Giang Huy. |
Thứ hai là nhiều doanh nghiệp ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới. Và thứ ba là chưa có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia. Ông cho rằng có thể xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thanh toán không dùng tiền mặt như ưu đãi thuế. Việc ưu đãi thuế cũng là nhằm có thể thu thuế nhiều hơn vì khi đó doanh nghiệp sẽ minh bạch về tài chính.
Thứ tư là vấn đề phát triển hạ tầng. Theo ông Tuấn, việc chia sẻ dữ liệu có rào cản nhất định vì dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao. Do đó, đại diện nhà băng cho rằng với yếu tố này cần có sự tham gia của nhà nước.
Ngoài ra, theo ông, cần có những quy chuẩn về công nghệ khi triển khai. Ông lấy ví dụ, hiện mỗi trạm BOT lại áp dụng một chuẩn mực khác nhau khi thu phí nên khó khăn cho các ngân hàng.
Chốt lại phiên thảo luận hiến kế về phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính - Phó chủ tịch Vinasa, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, chính sách phát triển số của Việt Nam đang chậm so với các nước trong khu vực, thế giới. Mặt khác, hạ tầng kinh tế số không phát triển sẽ gây ảnh hưởng chung tới nền tảng phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo VnExpress