Tin tức

Trang chủ » » Năm 2017 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió” trên thị trường

Năm 2017 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió” trên thị trường

06/01/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Nếu TTCK năm 2016 không có nhiều biến động, năm 2017 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió” trên thị trường. Điều này phù hợp với TTCK Việt Nam: “Cơ hội lớn hơn đi kèm rủi ro ở mức cao hơn”.

Cơ hội lớn

Năm 2017 sẽ chứng kiến những cơ hội TTCK Việt Nam chưa từng có trong những năm trước đó. Theo CTCK Maybank KimEng (MBKE), đó là sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt tên tuổi mới, đại diện lớn hơn cho những ngành nghề then chốt trong nền kinh tế và thậm chí là đại diện cho những ngành chưa từng có công ty nào niêm yết trên thị trường.

Sự sôi động đã được nhìn thấy ở thời điểm cuối năm 2016, với những đại gia mới xuất hiện trên các sàn niêm yết như: Sabeco (SAB), Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Habeco (BHN), Đường Quảng Ngãi (QNS), Novaland (NVL). Hiện tượng này được dự báo sẽ còn sôi động hơn rất nhiều trong năm nay, với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi đình đám nhất hiện tại như: Vinatex, Vietnam Airlines, Vietjet, Trường Hải, Petrolimex... Đây là những ông lớn thật sự trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng như và sự góp mặt của hàng loạt hàng hóa mới, chất lượng cao sẽ tạo ra những cơ hội lớn trong năm 2017 này.

Ngoài ra, cơ hội cũng sẽ đến từ hoạt động thoái vốn tiếp tục của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Dự báo trong năm nay, SCIC sẽ thúc đẩy các hoạt động thoái vốn nhanh hơn rất nhiều. Dù hiệu quả có đôi khi không như mong đợi, như trong lần bán vốn gần nhất của SCIC tại Vinamilk, nhưng việc thoái vốn của SCIC sẽ tạo ra những con sóng lớn, cơ hội lớn trong năm 2017.

Ở góc độ vĩ mô, cơ hội lớn sẽ đến từ chính sự phát triển trong nội tại nền kinh tế đất nước. Đó là sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tiêu dùng tăng cao… đang tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các nhóm ngành, các doanh nghiệp gắn chặt với các biến chuyển này. Cơ hội sinh lợi từ việc đầu tư vào các công ty vừa nêu là vô cùng to lớn, nhưng dĩ nhiên cần đi kèm với một điều kiện đủ. Đó là khả năng hoạt động thật sự chuyên nghiệp, đạo đức quản trị ở mức cao.

Rủi ro không nhỏ

Dù cơ hội rất nhiều, nhưng TTCK năm 2017 cũng sẽ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn đáng kể so với năm 2016. Rủi ro đầu tiên chính là tình hình kinh tế chính trị thế giới trong năm nay. Việc Hoa Kỳ lựa chọn ông Donald Trump làm tân tổng thống khiến mọi suy đoán về các quyết sách kinh tế và chính trị đều trở nên khó đoán định hơn rất nhiều. Xét đơn thuần về kinh tế, chủ trương bảo hộ mạnh hơn nền kinh tế nội địa, phản đối các hiệp định tự do thương mại và kêu gọi dòng vốn quay trở lại Hoa Kỳ rõ ràng sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho nhóm thị trường các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Theo MBKE, việc thực thi chính sách nâng dần lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng có thể tạo ra những xáo trộn đáng kể cho thị trường toàn cầu. Thông báo gần nhất trong tháng 12 của FED đã cho thấy dự tính ngân hàng trung ương này sẽ có đến 3 lần tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017. Rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn trở lại Hoa Kỳ là một trong các vấn đề đáng quan ngại nhất khi nói về nhóm các thị trường mới nổi trong năm 2017.

Với nền kinh tế Việt Nam, việc duy trì một mức tăng trưởng kế hoạch (GDP tăng 6,7%) trong bối cảnh ngân sách bị hạn chế do nợ công bị giới hạn mức trần và các nghĩa vụ trả nợ ở mức cao hơn trong năm 2017 là khá thách thức. Chính sách tài khóa do đó bị hạn chế đáng kể vai trò trong năm 2017 và sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ cổ phần hóa thêm các doanh nghiệp nhà nước cũng như bán giảm phần vốn tại các công ty đang niêm yết.

Với chính sách tiền tệ, dự địa cho việc mở rộng của chính sách tiền tệ cũng không còn dễ dàng như các năm trước đó, khi mặt bằng lãi suất gần như đã tạo đáy trong năm 2016 và giá cả hàng hóa nguyên nhiên vật liệu đang có khả năng tăng mạnh hơn trong năm 2017. Điều này cho thấy, thị trường đang chịu một sức ép nhất định lên vấn đề lạm phát và có thể hạn chế một phần mức độ mở rộng của chính sách tiền tệ.

Thu Hương

Tổng hợp

  




Văn bản gốc