Tin tức

Trang chủ » » Ngân hàng phương Tây thua to tại châu Á

Ngân hàng phương Tây thua to tại châu Á

22/03/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Các ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm được 19% doanh thu ngành ngân hàng đầu tư châu Á vào năm ngoái.

Các gã khổng lồ ngân hàng của Phố Wall và châu Âu vẫn tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa ở châu Á. Đó là kết luận từ tổ chức theo dõi trong ngành Coalition. Số liệu mới nhất của Coalition cho thấy các ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 19% doanh thu ngành ngân hàng đầu tư châu Á vào năm ngoái, giảm từ mức 27% vào năm 2014.

Sự sụt giảm mạnh chủ yếu rơi vào năm 2015 khi thị phần của các ngân hàng phương Tây giảm xuống còn 20%. Cụ thể, sau 2 năm bùng nổ của các thị trường vốn cổ phần ở châu Á (được thúc đẩy bởi các đợt phát hành IPO của Trung Quốc), doanh thu đã lao dốc vào năm 2015. Nguyên do là các thương vụ IPO trở nên khan hiếm và cạnh tranh giữa các ngân hàng khu vực khốc liệt hơn.

George Kuznetsov, đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Coalition, cho biết, các ngân hàng nước ngoài “vẫn chưa thể gượng dậy” sau một năm “bầm dập” như thế. Theo ông, bộ phận châu Á của các ngân hàng phương Tây sẽ chỉ phục hồi khi các thị trường vốn cổ phần khởi sắc thực sự. “Mọi người kỳ vọng rằng các thị trường vốn cổ phần sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng không thực sự khởi sắc nhiều”, Kuznetsov nói.

Doanh thu các thị trường vốn cổ phần châu Á đã giảm 24% vào năm 2016, theo số liệu của Coalition. Các ngân hàng quốc tế xưa nay chơi trội ở các thị trường vốn cổ phần châu Á hơn là ở các thị trường nợ hoặc mảng tư vấn. Trong khi đó, doanh thu các thị trường nợ của châu Á, nhờ cơn sốt ở Trung Quốc, đã tăng 10%. Doanh thu M&A đã giảm 4% mặc cho sự tăng mạnh trong hoạt động ở Trung Quốc. “Các ngân hàng khu vực và ngân hàng địa phương chơi tốt hơn rất nhiều ở mảng M&A ra nước ngoài”, Kuznetsov cho biết. “Bất cứ ngân hàng nào có sự hiện diện tốt ở Trung Quốc và có kết nối tốt với khách hàng trong nước thì có lẽ làm ăn tốt hơn nhiều”, ông nói thêm.

Citic Securities, China Securities và Mizuho đã gia tăng hoặc ít nhất giữ được thị phần trong bảng xếp hạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Dealogic về doanh thu ngân hàng đầu tư năm 2016, lật đổ các ngân hàng như Goldman Sachs.

Phí ngân hàng đầu tư được thanh toán bởi các tập đoàn Trung Quốc đã tăng 23% vào năm 2016 đạt 10 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu của Thomson Reuters. Ngoại trừ Trung Quốc, phí tại châu Á đã giảm 10% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Mặc cho tình hình thị trường khắc nghiệt với sự co cụm của các tổ chức lớn trong đó có Deutsche Bank, Royal Bank of Scotland và Goldman Sachs, triển vọng về một ngày mai tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á vẫn thúc đẩy hầu hết các ngân hàng tiếp tục đầu tư. Credit Suisse, chẳng hạn, “gắn chặt” với khu vực này và vẫn tiếp tục rót vốn đầu tư, thậm chí khi đang tái cấu trúc và cắt giảm ở nhiều thị trường khác.

Đàm Hoa

Theo Financial Times 

  




Văn bản gốc