Ngành bao bì: Doanh nghiệp Việt đối diện nhiều sức ép
Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Việt Nam có chung mối lo lớn: hạt nhựa PP - nguyên liệu chính của gần cả ngàn công ty sản xuất nhựa bao bì phải chịu mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 1/2017.
Với nguyên liệu đầu vào nhập khẩu mỗi năm lên đến 70 - 80%, việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.
Từ vài năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì Việt Nam đứng trước áp lực bị các công ty nước ngoài mua lại. Một số doanh nghiệp tên tuổi lần lượt về tay các tổ chức đầu tư của Nhật, một số khác đã bán đến 80% cổ phần cho các tập đoàn Thái Lan hoặc Hàn Quốc.
Liên tục nhiều năm, lĩnh vực bao bì Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 15 – 20%/năm, tuy nhiên trong phần tăng trưởng đó, doanh nghiệp nội địa hầu như không chiếm lĩnh được bao nhiêu.
Xét về mọi mặt, từ điều kiện sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu…
Theo chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Thiên Việt, rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn là điểm cần lưu ý ở các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa Việt Nam. Các khoản vay nợ ngắn hạn này dùng để tài trợ cho vốn lưu động bao gồm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, đầu tư máy móc thiết bị.
Các doanh nghiệp nhựa nội địa có tỷ lệ vay nợ ngắn hạn khá cao, trung bình khoảng 70% và nợ dài hạn là 30%. Điều này khiến hệ số thanh toán nhanh của các doanh nghiệp khá thấp.
Một giám đốc ngân hàng cho biết, để doanh nghiệp Việt có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.
Bên cạnh những khó khăn trên, ngành bao bì trong nước được dự đoán sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức lớn về mặt công nghệ khi yêu cầu của các khách hàng đối với nhà sản xuất ngày càng khắt khe, đòi hỏi bao bì phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, phải thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng.
Theo giới phân tích, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao khả năng xuất khẩu đến những thị trường mới, các doanh nghiệp sản xuất cần phải không ngừng phát triển quy mô theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu bằng việc cải tiến công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị.
Tại buổi họp báo ngày 9/3/2017 giới thiệu ProPak Vietnam 2017 (triển lãm quốc tế trong ngành công nghiệp sản xuất và đóng gói thực phẩm, đồ uống và dược phẩm tại Việt Nam, sắp diễn ra tại TP. HCM), ông BT Tee - đại diện một trong 2 doanh nghiệp tham gia tổ chức triển lãm trên cho biết, 2 năm nay, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ các nhà sản xuất trên thế giới đầu tư xây nhà máy vì có những lợi thế riêng về thị trường và nguồn nhân lực.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước vì áp lực cạnh tranh nên cũng phải cải tiến sản xuất hiệu quả cũng như đầu tư vào bao bì đóng gói.
Điểm sáng nhất cho ngành sản xuất bao bì trong năm nay có lẽ là việc đồng euro có tỷ giá giao dịch ngang bằng với USD, tạo nên cơ hội lớn cho những doanh nghiệp quyết tâm đầu tư mạnh vào công nghệ mới. Một số công ty cho biết đã lên kế hoạch nhập khẩu máy móc từ các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp trong năm nay để tranh thủ thời điểm vàng tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị sản xuất.
Thu Hà
Tổng hợp