Góc kinh điển

Trang chủ » » Ngành công nghiệp không khói góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế

Ngành công nghiệp không khói góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế

25/12/2019

Du lịch - ngành công nghiệp không khói đáng được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu vì những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội mà nó đem lại.

  1. Du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu: đến năm 2020 ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thu hút 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ USD và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 Việt Nam đón 95,5 triệu du khách với tổng doanh thu toàn ngành du lịch vượt 620.000 tỉ đồng (khoảng 27 tỉ USD), tăng khoảng 11% so với năm trước và đưa tổng doanh thu của ngành này năm qua tăng gấp hơn 10 lần kể từ 2008. Năm 2017, tổng doanh thu từ ngành du lịch của Việt Nam đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Cũng năm 2017, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Trong thời gian này, ngành du lịch đã phục vụ 73,2 triệu lượt khách trong nước. Ðó cũng là cơ sở lý giải vì sao 2017 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong tổng 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Những con số phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ này một mặt khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của du lịch trong tổng thể kinh tế quốc gia.

Du lịch  - ngành công nghiệp không khói đáng được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu vì những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội mà nó đem lại. Về mặt kinh tế, sự phát triển của du lịch đã tác động tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Về mặt xã hội, du lịch góp phần tạo nhiều việc làm, kích thích khôi phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống; làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương – nơi có các khu du lịch phát triển.

  1. Nhìn nhận những thách thức, khó khăn của ngành du lịch

Với những chỉ số dự báo đầy ấn tượng và khả quan cho thấy, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều thách thức và khó khăn phía trước, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Thứ nhất, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và thế giới. Điều này thế hiện rõ nét nhất ở tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Thứ hai, chất lượng dịch vụ du lịch, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng du lịch tiếp cận điểm đến còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật. Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Thứ ba, nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu kém lớn của ngành du lịch.

  1. Đề xuất giải pháp phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

Trước hết, cần nhận thức rằng du lịch là ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và doanh nghiệp, cần phát huy tính chủ động sáng tạo, phân cấp trao quyền mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp và địa phương.

Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực để thúc đẩy các ngành khác phát triển theo, thì phải có sự đầu tư thích đáng. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của Chính phủ kiến tạo là rất quan trọng.  Bên cạnh nỗ lực và quyết tâm của ngành du lịch, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù, có chính sách đột phá và đầu tư thích đáng cho du lịch để du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn và giữ vai trò động lực cho các ngành kinh tế khác, hài hòa các mục tiêu phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.   

Nhóm giải pháp thứ nhất hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam  bao gồm: (i) Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và tầm cao; (ii) Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; (iii) Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.

Nhóm giải pháp thứ hai hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng du lịch bao gồm: (i) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (ii) Chú trọng nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; (iii) Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước; quy hoạch phát triển du lịch theo các vùng, địa phương; quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề, để tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng bền vững; (iv) Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch

Nhóm giải pháp thứ ba hướng tới đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch bao gồm: (i) Ngành du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; (ii) Các trường đại học, cao đẳng và tự doanh nghiệp cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế…

TS. Phạm Trí Hùng

 

  




;

Văn bản gốc


;