Ngành điện tử: hết thời “công nghiệp tô vít”, rồi sao?
Tuy đã hết thời “công nghiệp tô vít” nhưng các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử nước ta vẫn rất “chật vật” để trở thành các công ty vệ tinh cho các doanh nghiệp FDI trong nước.
Ngành điện tử phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp FDI và thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong ảnh: Lắp ráp loa tại một cơ sở tư nhân. Ảnh: KINH LUÂN
Theo các chuyên gia, cần có sự kết nối cũng như sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước về công nghệ, nhân lực... để ngành này có thể “trèo” lên được chuỗi giá trị toàn cầu.
Thiếu sự kết nối
Những ngày cận tết bận rộn, ông Hoàng Anh Tuân, Chủ tịch Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng, đã đón tiếp một đoàn giám sát, dẫn đầu là ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam.
Họ đến kiểm tra kết quả đạt được của Việt Hưng sau ba tháng chuyên gia Samsung Hàn Quốc sang “nằm vùng” tại chính công ty này để hướng dẫn Việt Hưng cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí và giảm tỷ lệ lỗi, hỏng.
Sau khi khảo sát các công đoạn của nhà máy, chuyên gia Samsung đánh giá, tỷ lệ lỗi sản phẩm của Việt Hưng đã giảm xuống mức tuyệt đối là 100%, chi phí sai hỏng giảm gần 40%, chất lượng nhựa được nâng cao 100%, năng suất lao động của dây chuyền tăng 73%...
“Đừng sợ những doanh nghiệp như Samsung”, ông Hoàng Anh Tuân nói. Theo ông, mình nhỏ bé thật nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng thì vẫn có thể là nhà cung ứng cấp 1 cho họ. Ban đầu Việt Hưng chỉ là một công ty rất nhỏ trong lĩnh vực bao bì, nhưng giờ đã mở rộng sang cả sản xuất nhựa và có ba nhà máy đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam.
Nhưng cái khó để cung ứng cho doanh nghiệp FDI là việc đáp ứng đúng, đủ về thời gian và số lượng đơn hàng khi thời gian tồn kho linh kiện của Samsung rất ngắn. “Nếu mình chậm thời gian giao linh kiện cho Samsung, tất cả các công đoạn sẽ bị chậm tiến độ, kéo theo thiệt hại rất lớn. Ví dụ như Tết năm ngoái với sản phẩm Galaxy S7, để đáp ứng tiến độ, toàn bộ nhà máy chúng tôi phải làm việc qua cả Tết âm lịch, nghỉ đúng một lúc giao thừa rồi lại làm tiếp”, ông Tuân nói.
Ông Han Myoung Sup đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam rất chăm chỉ và chịu khó nhưng họ còn thiếu sự hỗ trợ về khả năng quản trị để nâng cao năng suất và giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm.
Khi được hỏi về lời khuyên để các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp được các mặt hàng có giá trị cao trong chuỗi giá trị của Samsung, ông Han Myoung Sup nói trước đây Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam, các doanh nghiệp cung ứng thiết bị phần lớn là những doanh nghiệp nước ngoài. Nhờ có sự nỗ lực vươn lên không ngừng, các doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc đã dần cạnh tranh và thay thế được doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Han Myoung Sup cho hay, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ về đầu tư công nghệ, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Những điều này cần có quá trình tích lũy lâu dài. Để có được thành quả sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ngành điện tử trong nước dù vẫn còn hạn chế nhưng đã không còn là ngành “công nghiệp tô vít” nữa. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp trong nước xuất khẩu linh kiện và làm nhà cung ứng cấp 1 cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử trong nước đang thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp FDI dẫn tới sự thiếu khả năng cạnh tranh và theo đó ngày càng thụt lùi trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần phải trèo lên được chuỗi giá trị cao hơn thông qua việc bắt tay, hợp tác với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để phát triển thị trường lao động thông qua đặt hàng của doanh nghiệp.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng, đại diện Công ty Canon Việt Nam, cho rằng Nhà nước không nên hỗ trợ đại trà mà nên lựa chọn vài doanh nghiệp thực sự có tiềm năng để đào tạo, hỗ trợ cho những doanh nghiệp này phát triển để họ làm đầu tàu, kéo các doanh nghiệp khác phát triển theo. Canon đã áp dụng biện pháp này với nhiều doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ họ trở thành nhà cung ứng cấp 1.
Cần thời gian để vươn lên
Thực tế, các doanh nghiệp FDI cũng muốn có các doanh nghiệp vệ tinh nội địa để giảm chi phí vận chuyển, nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ mới cung ứng được các linh kiện đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Bà Huyền nói Canon đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa là 70% cách đây ba năm mà tới nay vẫn chưa thể thực hiện được. Trong số 120 doanh nghiệp cung ứng cho Canon hiện nay, số doanh nghiệp 100% vốn Viêt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ cung cấp các thiết bị rất đơn giản như thùng carton, bao bì, nhãn...
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng), công ty chuyên sản xuất các thiết bị âm thanh của Nhật Bản, cho biết dù đã cố gắng tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước nhưng tới nay, tỷ lệ nội địa hóa của Foster mới chỉ đạt không quá 10%, chủ yếu cung cấp các thiết bị rất đơn giản như thùng giấy, nhãn hàng, túi nylon...
Theo điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2014, ngành điện, điện tử chiếm khoảng một phần tư tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn từ năm 2000-2014, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 29%, trong khi đó con số này của Malaysia là 3% và Thái Lan là 6%. Nhưng, ngành này cũng đang thể hiện sự bất cập khi phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI và thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. 99/100 doanh nghiệp lớn nhất của ngành điện tử là các doanh nghiệp FDI.
Thùy Dung
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn