Ngành logistics Việt Nam: Khi nào mới lớn mạnh?
Thị trường cơ sở hạ tầng kỹ thuật (logistics) Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP; trong đó vận tải chiếm từ 50 - 60%, thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế. Liệu trong bối cảnh hội nhập gần như toàn diện, chiếc bánh logistics tuy lớn nhưng chúng ta sẽ được hưởng bao nhiêu ngay trên đất nước mình?
Vẫn còn những hạn chế
Hiện nay, tại nhiều quốc gia, phát triển kinh tế không thể tách rời chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Nhìn vào bản đồ hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam tuy là một nước nhỏ nhưng lại tham gia vào nhiều khu vực kinh tế lớn trong một cố gắng đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Trước cánh cửa hội nhập kinh tế toàn cầu như vậy, chúng ta thường nói về những cơ hội và thách thức, nhất là đối với các ngành hoạt động non trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, trong đó logistics được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh.
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đã giúp lĩnh vực logistics tại Việt Nam phát triển, nhưng điều này cũng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp nội địa. Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư không ít để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phần cứng), nhưng hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. Với bờ biển dài khoảng 3.260km trải dài từ Bắc đến Nam, ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Thế nhưng vì sao sau bao nhiêu năm phát triển, ngành logistic Việt Nam vẫn không mấy khởi sắc? Theo đánh giá của Tập đoàn Frost & Sullivan, chi phí logistics tại Việt Nam gần như gấp đôi, gấp ba so với các nước công nghiệp khác, xuất phát từ việc thiếu thốn về hạ tầng và yếu kém về năng lực vận tải.
Việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa một quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hướng về tương lai
Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng rộng thì ngành logistics đang đóng vai trò rất quan trọng. Sắp tới, với các cam kết mà Việt Nam đã ký trong các hiệp định thương mại tự do, nội dung mở cửa thị trường trong cả ngành logistics sẽ càng tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động. Doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cập nhật xu hướng cũng như yêu cầu phát triển trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực logistics để nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Để tận dụng những cơ hội từ tự do hóa dịch vụ logistics theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định khu vực, Nhà nước và các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng thực trạng phát triển của ngành thời gian qua để từ đó xác định hướng phát triển thị trường logistics một cách bền vững. Xét ở góc độ nào đó thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, bức tranh thị trường phản ánh hiện nay là trung thực và cân đối với năng lực cũng như vốn đầu tư mà doanh nghiệp Việt đã bỏ ra. Để giành lại phần lớn trong “chiếc bánh ngon” logistics, doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường đầu tư, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ.
Phương Anh
Tổng hợp