Ngành thủy sản tận dụng cơ hội tăng thị phần xuất khẩu
Nhờ những tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại kinh tế, giá trị xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao ngay trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Thuỷ sản được xem là một trong những mặt hàng có thế mạnh trong hoạt động xuất khẩu của nước ta. Điểm đáng chú ý, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có nhiều nước tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc dù tình hình thời tiết trong năm nay có những diễn biến bất thường như hạn hán và xâm nhập mặn, đã làm chậm tiến độ thả nuôi thủy sản của người dân. Tuy sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng nhẹ so với cùng kì năm 2015, nhưng xuất khẩu thuỷ sản vẫn có bước tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 4 thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 52,81% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), thì Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường đã tham gia TPP; trong đó Hoa Kỳ là thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh nhất, với 10,9%. Điều này phần nào cho thấy, khi tham gia TPP, sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu thuỷ sản của nước ta.
Ngoài Hiệp định TPP, trong năm 2016 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết cũng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan và Ecuador. Hàn Quốc đã cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. Tương tự, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đi vào thực thi, thủy sản sẽ là nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế ngay. Hầu hết các sản phẩm thủy sản đều được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Khi tham gia TPP, ngành thuỷ sản Việt Nam có thêm cơ hội tái cấu trúc lại nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua quá trình tái cấu trúc, sẽ loại bỏ được những doanh nghiệp có năng lực và khả năng cạnh tranh thấp. Đồng thời, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp nước ta còn có thể tận dụng cơ hội trực tiếp tham gia các gói thầu cung cấp nguyên liệu cho các “bếp ăn” có sử dụng ngân sách của các nước thành viên TPP - đây là những quy định có trong chương về mua sắm công của Hiệp định TPP. Điều này có thể coi là điều kiện thuận lợi để tăng cơ hội hợp tác, cải tiến chuối sản xuất các mặt hàng thuỷ sản.
Nhờ hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế, năm 2016 dự báo ngành thủy sản sẽ khởi sắc hơn năm 2015. Theo đó, với mặt hàng tôm, tuy vẫn tiếp tục chịu áp lực của xu hướng giảm giá, cạnh tranh đã diễn ra từ năm 2015 nhưng nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… XK tôm dự báo sẽ tăng khoảng 12%. Mặt hàng cá ngừ dự báo XK cũng đạt 500 triệu đô la Mỹ, tăng 8%; mực và bạch tuộc đạt 470 triệu đô la Mỹ, tăng 10%...
Nguyễn Ánh
Tổng hợp