Ngành xi măng đang cạnh tranh dữ dội
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2016 sẽ rất khó khăn, nhất là công tác xuất khẩu, xi măng sẽ tiếp tục dư thừa lớn, cộng thêm sức ép từ bên ngoài, dự báo một năm cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp (DN) trong ngành.
Sức ép quá lớn
Với nguồn cung xi măng gia tăng thêm 3,6 triệu tấn, trong khi dự báo tổng cầu với mặt hàng này chỉ tăng khoảng 3-7% trong năm 2016, khiến các nhà sản xuất xi măng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Trước hết, đó là sức ép từ các DN xi măng nước ngoài, nhất là xi măng Trung Quốc. Tổng công suất các nhà máy xi măng của nước ta đạt khoảng 81,5 triệu tấn, trong khi năm 2016 dự kiến tiêu thụ tăng 5 - 7% so với năm 2015 đạt khoảng 75 - 76 triệu tấn, đồng nghĩa với việc cung vẫn vượt cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khả năng xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. So với năm 2014 là năm “đỉnh cao” về xuất khẩu, đạt hơn 21 triệu tấn, thu gần 900 triệu USD, năm 2015, xuất khẩu đã giảm gần 20%, đạt 16,25 triệu tấn và năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Năm vừa qua, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC), một trong những doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã có một năm kinh doanh “bội thu”, khi các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách… đều vượt xa so với Nghị quyết Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, không vì kết quả có được của năm cũ mà BCC dám đặt mục tiêu kinh doanh kỳ vọng hơn. tính đến thời điểm này, công suất của ngành xi măng đã lên tới 81 triệu tấn. Gần đây nhất, cuối năm 2015 đã có thêm 1 dây chuyền 3,6 triệu tấn của Xi măng Công Thanh được đưa vào hoạt động. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có thêm 4 triệu tấn nữa từ Nhà máy Xi măng Sông Lam, công suất sẽ tiếp tục được tăng lên. Cạnh tranh dữ dội về tiêu thụ giữa các nhà sản xuất nên năm 2016, các mục tiêu đặt ra đối với xi măng Bỉm Sơn khá thận trọng. Chính những khó khăn từ xuất khẩu đã gia tăng áp lực cạnh tranh trong nước. Các DN xi măng đều tập trung công tác tiêu thụ trong nước, nhất là các thị trường “chật chội” tại các tỉnh phía bắc. Ngay cả đơn vị lớn như Vicem Hoàng Thạch cũng có những thời điểm rất căng thẳng. Trong những dịp Tết, sản phẩm của Vicem Hoàng Thạch mức tiêu thụ sụt giảm đáng kể, chỉ khoảng 6.000 tấn/ngày, trong khi đó các đơn vị khác trong Vicem tiêu thụ 10 nghìn tấn/ngày.
Tập trung quản trị DN, thiết bị
Đây là công tác sống còn đối với các DN xi măng nhiều năm nay. Trước đây, sản xuất tiêu thụ xi măng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào,… nhưng những năm gần đây, một số yếu tố trên đã từng bước ổn định, các DN đã có dự báo tốt hơn. Do vậy, việc cần thiết nhất vẫn là căn chỉnh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm, trước hết cần tập trung năng lượng cho than vì chiếm đến 60 - 70% giá thành và lại là khu vực nhạy cảm. Đồng thời, tìm giải pháp giảm giá thành nhập than đến chân công trình khoảng 40 đến 50 nghìn đồng/tấn, phấn đấu đến năm 2020 giảm 100 nghìn đồng/tấn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới phù hợp nhằm bảo đảm duy trì ổn định chất lượng sản phẩm với mục tiêu trọng tâm là tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị…
Song song với các giải pháp về công nghệ, các giải pháp bán hàng cũng quan trọng không kém. Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng. Đồng thời phối hợp hoàn thiện hệ thống nhà phân phối và mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường xuất khẩu. Các DN xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung,… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng.
Lan Hương
Tổng hợp