Ngư dân, DN nước mắm rơi vào tình thế ngặt nghèo
Cuộc chiến của những nhóm lợi ích đang vô tình đẩy ngư dân, những doanh nghiệp nước mắm vào tình thế ngặt nghèo...Phải chăng Vinastas nêm chịu trách nhiệm cho sự rối loạn này? Cơ quan quản lý nhà nước nên nhanh chóng vào cuộc để trấn an dư luận...
Chiều 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, nhiều chuyên gia thực phẩm, doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý đã đánh giá, công bố của VINASTAS là vội vàng, thiếu trách nhiệm, không rõ ràng, gây bất lợi lớn cho sản phẩm nước mắm truyền thống.
Kiểm nghiệm nước mắm không thể công bố chung chung
Thông tin do VINASTAS công bố ngày 17-10 đã khiến đông đảo người tiêu dùng rất hoang mang bởi nước mắm là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt từ trước đến nay. Hàm lượng Asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT. Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì trong các mẫu không đạt, hàm lượng Asen tổng là từ 1-5 mg/lít.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng cần thông tin minh bạch và khoa học hơn. Không nên công bố mập mờ hàm lượng asen tổng chung chung mà cần cụ thể rõ ràng asen vô cơ là bao nhiêu %, asen hữu cơ là bao nhiêu % trong các mẫu phân tích.
"Phải nói rõ nước mắm độ đạm cao có asen vô cơ hay không, mẫu nào, do ai sản xuất, hàm lượng cụ thể là bao nhiêu. Những thông tin về an toàn thực phẩm hiện nay là rất nhạy cảm. Đừng nói chung chung làm người tiêu dùng lo ngại. Đại diện Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, ông Trương Quang Hiến đặt câu hỏi. còn cho rằng, lượng nước mắm mỗi người ăn hàng ngày là không đáng kể nên lượng asen hữu cơ hấp thu vào cơ thể khó có thể gây hại. “Một người thể trọng trung bình mỗi ngày có thể ăn 2 lạng cá/bữa, trong khi trung bình 1 lạng cá sẽ làm ra 100ml nước mắm. Thử hỏi liệu có ai có thể ăn được 200ml nước mắm/ ngày?"
Cùng quan điểm, theo một chuyên gia về thực phẩm, asen hữu cơ có trong cá biển phần lớn ở dạng Asenobetaine không độc hại. Do có ở trong cá biển nên nước mắm nào độ đạm hữu cơ càng cao thì hàm lượng asen càng lớn. “Chỉ cần pha loãng ra để giảm độ đạm là mọi thứ sẽ về ngưỡng quy định, mà thực chất cái quy định này không thực tế” – vị chuyên gia cho biết. Các nhà khoa học phải nhanh chóng vào cuộc để khẳng định ngưỡng cho phép đối với asen hữu cơ và vô cơ trong nước mắm như thế nào. Còn công bố mập mờ như VINASTAS là không công bằng với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.
Khách dọa trả hàng
Thông tin này đã khiến ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang phải bận rộn nhận điện thoại từ qua đến nay.
Theo ông Diệp, ngay khi thông tin này mới được công bố, doanh nghiệp của ông đã nhận đề nghị giải trình từ phía các siêu thị và nhà phân phối nước mắm.
“Bên cạnh đó một số người tiêu dùng lẻ đã 'lắc cắc' đến trả lại hàng cho doanh nghiệp. Chúng tôi đang phải gấp rút tập hợp thông tin để công bố, giải thích với người tiêu dùng cũng như nhà phân phối", ông Diệp nói.
Cũng theo ông Diệp, về nguyên tắc khi phát hiện thông tin phản ánh, đơn vị có liên quan phải lập đoàn kiểm tra và phải có cơ quan thứ 3 cùng đi để đối chứng. "Vinatas lấy mẫu trên thị trường thì tôi cũng không biết họ lấy mẫu của doanh nghiệp nào. Hơn nữa, quy chuẩn Việt Nam công bố về hàm lượng asen là quy định cho nước chấm, chứ không phải cho nước mắm", ông Diệp nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cũng cho biết ngay khi thông tin này được công bố, nhiều siêu thị, nhà bán lẻ đã yêu cầu các cơ sở nước mắm truyền thống tại Phú Quốc phải giải trình. Điều này đang gây ảnh hưởng đến uy tín của rất nhiều thương hiệu. “Người tiêu dùng có kiến thức sẽ hiểu vấn đề nhưng rất nhiều người ở nông thôn hoặc những vùng thiếu thông tin, họ nghe thì sợ liền. Người tiêu dùng bị đánh tráo khái niệm, khó phân biệt đâu là nước mắm đâu là nước chấm nên hoang mang. Đó là thông tin tiêu cực giết sản phẩm truyền thống này”, bà Tịnh bình luận.
Nhiều DN sản xuất nước mắm có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu… cho biết họ chưa từng gặp vấn đề từ nước nhập khẩu về chuyện asen, trong khi các nước đều kiểm soát chặt chẽ và kết quả kiểm tra chưa bao giờ vượt ngưỡng.
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… và ngay cả ủy ban Codex của WHO và FAO, không quy định asen trong nước chấm làm từ cá. Việt Nam thì có quy định asen trong nước chấm, tối đa 1mg/lít, nhưng đó là asen vô cơ. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm trong nước chỉ phân tích được asen tổng (gồm cả hữu cơ và vô cơ), nên kết quả mà Vinastas đưa ra là nói về asen tổng, không có ý nghĩa để nói về vấn đề an toàn.
Đưa ra kết luận như vậy có thể làm người tiêu dùng hiểu rằng “nước mắm có độ đạm càng cao thì càng độc”. Điều này sẽ làm cho người tiêu dùng càng thêm hoang mang, còn nhà sản xuất kinh doanh thì sững sờ, đặc biệt là những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.
Hoàng Anh
Tổng hợp