Tin tức

Trang chủ » » Nhận diện các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EAEU

Nhận diện các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EAEU

17/10/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Với gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực. Đây được xem là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EAEU.

 

Sau hơn hai năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (Hiệp định Việt Nam-EAEU) đã chính thức được ký kết vào ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, với cam kết cắt, giảm 90% dòng thuế.

Nông lâm sản hưởng lợi nhỏ

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh EAEU. Trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu với các mặt hàng chính thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại.

Trong nhóm Liên minh, Nga là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 12,8%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 79,9 triệu USD, tăng 11,5 %; hạt tiêu đạt 25 triệu USD, tăng 26,4 %; hạt điều tăng 56,1 %, đạt 21,5 triệu USD.

Nông lâm sản là nhóm hàng được hưởng lợi nhỏ khi hiệp định thương mại giữaViệt Nam và EAEU có hiệu lực (Nguồn: IT)

Theo nguồn tin từ Chính phủ, đối với mặt hàng gạo là nông sản chủ lực của Việt Nam, EAEU chỉ cho Việt Nam mức hạn ngạch xuất khẩu là 10.000 tấn/năm với thuế suất 0% và áp dụng mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) ngoài hạn ngạch thay vì 0%. Như vậy lợi thế cho gạo là không nhiều, bên cạnh đó nhu cầu của các nước thuộc Liên minh tùy theo sản lượng hàng năm, không theo quy luật ổn định.

Trong 7 tháng đầu năm, Nga vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ ba của Việt Nam, tăng 5,26% về lượng và giảm 3,16% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan.

Tuy nhiên với mặt hàng này, hiệp định không cam kết giảm thuế đối với chè xanh đóng gói dưới 3 kg.

Cà phê, hồ tiêu chỉ áp dụng thuế 0% với nguyên liệu thô từ Việt Nam. Những mặt hàng thế mạnh của Việt Na nếu muốn xuất khẩu mang lại giá trị cao thì phải chế biến sâu. Tuy nhiên, thuế 0% chỉ áp dụng ở những sản phẩm thô, còn chế biến sâu sẽ không được hưởng lợi.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng giảm xuất cà phê thô, tăng xuất sản phẩm đã qua chế biến để tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Tuy nhiên, những ưu đãi thuế tại thị trường trên chỉ ưu tiên cho sản phẩm cà phê xuất khẩu thô.

Đối với các sản phẩm gỗ mức thuế giảm từ 15% xuống 0% đồng thời áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt với nhóm đồ gỗ Việt Nam đang có thế mạnh như đồ gỗ trong nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, văn phòng.

Theo đó, nếu xuất khẩu dưới hạn mức trong danh mục sẽ được hưởng thuế suất 0%; nếu trên hạn mức sẽ bị điều tra tác động thị trường nội địa và có thể áp dụng mức thuế MFN hiện hành.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam vẫn có điều kiện thâm nhập khu vực EAEU tuy nhiên mức tăng trưởng có thể không cao do bị khống chế bởi cơ chế phòng vệ đặc biệt.

Thủy sản lợi thế nhất

Trong Hiệp định Việt Nam-EAEU, đối với ngành thủy sản, phía Liên minh cam kết mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ giảm từ 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến của Việt Nam. Về xuất xứ hàng hóa. Việt Nam đã đạt được quy tắc xuất xứ linh hoạt đối với một số sản phẩm thủy sản chế biến, đóng hộp như cá ngừ, tôm... Đây là nhóm mặt hàng mà Việt Nam còn thiếu nguyên liệu.

Với những ưu đãi kể trên, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Thủy sản Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường EAEU.

Ông Baturo K.G., Tùy viên Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam chia sẻ, phía Belarus rất quan tâm tới việc nhập khẩu các mặt hàng cá và thủy sản từ Việt Nam, đặc biệt là tôm, cá thu, cá tra. Vấn đề chính hiện nay mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi thâm nhập thị trường Belarus là việc các nhà nhập khẩu nước này chưa quen với các thương hiệu Việt Nam.

Trong thời gian tới, ông Baturo K.G., cho rằng, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Belarus trong chế biến và đóng gói sẽ tạo thuận lợi cho hàng thủy sản của Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường nước này.

Thủy Linh

Tổng hợp

 

  




Văn bản gốc